Top

Tòa tháp BIDV phải thể hiện “chất” uy nghi, vững chắc của truyền thống các tòa nhà ngân hàng trên thế giới

Cập nhật 13/06/2007 19:00

Sau bài “Tòa tháp BIDV – tạo đột phá về không gian mở ngay khu vực trung tâm thành phố”, đã có nhiều ý kiến đóng góp của đọc giả bàn về phương án thiết kế và thi công để tòa nhà là điểm nhấn trên trục đường Nguyễn Huệ. Để các bạn tham khảo, trong số này chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Phó giáo sư Trường Đại học Kiến trúc TPHCM.

Tôi đã xem xét rất kỹ phương án đạt giải nhất của cuộc thi này. Với cách tổ chức không gian như vậy tại khu vực tứ giác Nguyễn Huệ thì công trình không bị đóng kín mà mở ra trước người dân, đây là điều rất cần được phát huy khi thiết kế chi tiết tòa nhà.

Khi công trình (tòa tháp BIDV) xây dựng lên thì không những không bị chặn lại mà không gian khu vực chân tòa tháp còn được tổ chức tốt hơn các sinh hoạt công cộng do tòa nhà có cả hệ thống đường bên ngoài và bên trong. Việc bố trí không gian tĩnh và không gian động ngay ở tầng trệt tòa nhà giúp chủ đầu tư dễ bố trí những khu vực vui chơi giải trí tạo ra bộ mặt sinh động của khu trung tâm.

Ở thành phố đã mọc lên một số quán cà phê ngay dưới vỉa hè các cao ốc khiến chúng ta có cảm giác như “lấn” không gian vỉa hè nhưng điều này đã được khắc phục trong phương án CP 7117. Việc bố trí không gian mở phía trong tầng trệt tòa tháp sẽ khắc phục tình trạng gây ảnh hưởng đến không gian giao thông đô thị mà các tòa nhà khác đã mắc phải.

Về hình thức kiến trúc, với tư cách là một KTS có kinh nghiệm được mời tham gia ban giám khảo, tôi đánh giá khá cao phương án thiết kế này. Dù chưa phải là phương án sáng tạo nhất, ưu việt nhất nhưng đây là phương án được cả hội đồng giám khảo cũng như chủ đầu tư đánh giá là khá toàn diện và đáp ứng nhu cầu của đề bài đặt ra.

Tòa tháp BIDV nằm ở vị trí ngay trước khuôn viên trụ sở UBND TP nên việc các nhà tư vấn đưa ra phương án thiết kế trang trọng đã đáp ứng yêu cầu chung. Mặt khác, nếu nhìn rộng hơn khi ta đem phương án này so sánh với các tòa nhà ngân hàng ở các thành phố lớn trên thế giới như: Hồng Công, Đài Loan, Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), London (Anh) New York (Hoa Kỳ)… thì đều thấy những nét tương đồng.

Đó là truyền thống của các tòa nhà ngân hàng trên thế giới, ở đó không cần những gì quá lạ mắt mà cần sự vững chắc, uy nghi, trang nghiêm… để tạo được sự tin tưởng, yên tâm đối với người dân, nhất là khách hàng mỗi khi đến giao dịch với ngân hàng tại tòa nhà. Tôi nghĩ, đây cũng là điều mà chủ đầu tư sẽ lưu ý khi thiết kế chi tiết tòa tháp.

Tôi cũng đóng góp với chủ đầu tư là, với công trình này BIDV vừa làm đẹp cho mình vừa làm đẹp cho khu phố thông qua việc làm tốt không gian đô thị. Trong quá trình thiết kế chi tiết, theo tôi, chủ đầu tư nên chú ý đến việc bố trí khu vực xe hơi, xe gắn máy ra vào tòa nhà sao cho hợp lý để tránh việc bị “tắc đường” ngay trước tòa nhà gây phản cảm cho người đi đường.

Chúng ta cần khéo léo trong việc bố trí phần tiền sảnh tòa nhà làm sao để khách hàng khi tới tòa nhà BIDV sẽ nhanh chóng vượt qua vỉa hè để đi vào không gian bên trong tòa nhà. Đây là điều rất quan trọng để tránh hiện tượng “tắc” ở ngay vỉa hè trước những tòa nhà lớn mà chúng ta thường gặp trên nhiều đường phố.

Khi thiết kế, cần chú ý kết hợp phần “chữ V” trong phương án để khớp nối một cách hài hòa giữa tòa nhà với đường Nguyễn Huệ. Cuối cùng, tôi mong rằng các KTS khi thiết kế chi tiết tòa nhà cần lưu ý dùng thủ pháp phân chia, dùng tỷ lệ các mảng kính để tránh hiệu ứng phản quang đối với không gian xung quanh.

Sau khi tòa nhà có thiết kế chi tiết, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố sẽ có những nhận xét, đóng góp và điều chỉnh để tòa tháp BIDV thực sự phù hợp với cảnh quan kiến trúc của khu vực trung tâm quan trọng nhất của thành phố cả hiện tại và tương lai.

 Việt Hùng
 
Theo Sài Gòn Giải Phóng