Top

Tính thuế sử dụng đất: Mỗi nơi mỗi kiểu!

Cập nhật 12/09/2008 01:00

Thời gian qua, việc tính thuế đất, thuế sử dụng đất (TSDĐ) ở nhiều địa phương trên địa bàn TPHCM còn khá tùy tiện. Cùng điều kiện tương tự như nhau nhưng cách tính thuế lại khác nhau, chênh lệch có khi lên đến hàng trăm triệu đồng khiến nhiều người bất bình. Một số người dân đặt câu hỏi “Liệu có tiêu cực trong việc tính thuế?”.

Được miễn nhưng vẫn phải... đóng!

Năm 1976, ông Biện Hữu Năm, ngụ B2/319 ấp 2 xã Bình Lợi huyện Bình Chánh TPHCM khai hoang một khu đất tại ấp 2 xã Bình Lợi và cất nhà ở cho đến nay. Ngày 21-1-2002, UBND huyện Bình Chánh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (diện tích 12.547m²) cho gia đình ông Năm.

4 năm sau khi được cấp giấy chủ quyền đất, ông Năm đã chuyển nhượng một phần đất và chỉ còn giữ lại 3.202m², trong đó có nhà ông đang ở. Sau đó ông xin hợp thức hóa nhà và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên thổ cư.

Ngày 4-8-2008, ông Năm được UBND huyện Bình Chánh cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.500m² trong số 3.202m² lên thổ cư. Tuy nhiên, để nhận được giấy chủ quyền về đất ở, ông Năm phải nộp khoản TSDĐ là 240 triệu đồng và đóng lệ phí trước bạ về xây cất trên 10 triệu đồng.

Nhận được giấy báo thuế này, ông Năm “tá hỏa” vì số tiền thuế phải nộp quá lớn. “Đất đã sử dụng trên 30 năm nay, nay TSDĐ mà Chi cục thuế huyện Bình Chánh buộc tôi đóng quá lớn. Thậm chí số tiền đóng thuế cũng gần bằng tiền mua một khu đất mới tương tự. Sao bất hợp lý quá!” - ông Năm than.

Ông Năm đến Chi cục Thuế huyện Bình Chánh khiếu nại thì nhân viên ở đây giải thích: Với diện tích 1.500m², chỉ miễn thuế cho ông 300m² nhà ở, còn lại 1.200m² bắt buộc ông Năm phải đóng TSDĐ.

Chi cục thuế còn gởi văn bản nêu “nếu trong thời hạn 30 ngày, ông Năm không nộp sẽ bị phạt theo quy định”. Ông nói “nếu biết trước việc đóng thuế quá cao kiểu này, thà tôi cứ để vậy ở còn hơn”.

Cũng cùng điều kiện tương tự ông Năm, nhưng hộ ông Nguyễn Văn Vải (nhà số A2/47 ấp 1 xã Bình Lợi huyện Bình Chánh TPHCM) vừa chuyển đổi mục đích sử dụng 1.100m² đất lên thổ cư mà không phải đóng một đồng.

Ông Đinh Phước Hải (nhà số B3/297 ấp 2 xã Bình Lợi huyện Bình Chánh) cũng vừa mới hợp thức hóa nhà và chuyển mục đích sử dụng đất 870m² đất lên thổ cư, trong đó có 160m² đất đã xây dựng nhà ở nhưng chỉ đóng vài triệu đồng tiền thuế trước bạ còn TSDĐ được miễn.

Được biết, theo Nghị định 198/2004/NĐ-CP, những hộ ở trước ngày 15-10-1993 thì không phải nộp TSDĐ.

Khoản 2 Điều 3 Thông tư 117/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 198/2004/NĐ-CP cũng nêu rõ: Trong trường hợp đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993 không có tranh chấp thì không phân biệt người xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người đã sử dụng đất trước ngày 10-10-1993 hoặc là người sử dụng đất sau ngày 15-10-1993 (do nhận chuyển nhượng, thừa kế, hiến, tặng,…) khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều không phải nộp TSDĐ.

Ông Năm thấy bất hợp lý trong việc tính thuế nên đã làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Bình Chánh và được ông Lê Minh Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xem xét và giải quyết theo thẩm quyền rồi báo cáo kết quả giải quyết cho UBND huyện chậm nhất là ngày 27-8-2008.

Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều lần ông Năm đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh liên hệ, sự việc của ông vẫn chưa được người có trách nhiệm quan tâm.

Ông Đinh Phước Hải cũng tiết lộ, ban đầu ông cũng bị cơ quan thuế đòi trên 100 triệu đồng tiền thuế TSDĐ. Mặc dù biết trường hợp của mình được miễn TSDĐ nhưng ông cũng phải nhờ “mối quan hệ” mới được các cơ quan trên điều chỉnh lại và miễn cho gia đình ông theo quy định!

Nhà sát vách, 2 cách tính thuế khác nhau

Tương tự, một số hộ dân ở P14 quận Gò Vấp cũng khiếu nại đến UBND Q.Gò Vấp về việc tính TSDĐ tiền hậu bất nhất. Ngày 18-3-2008, ông Nguyễn Văn Chữ (nhà số 5/11A đường Quang Trung) nộp hồ sơ xin hợp thức hóa căn nhà ông đang ở được xây dựng năm 2001 trên đất nông nghiệp.

Ông Chữ cho biết, trong cùng một khu vực, cùng ra vào một tuyến hẻm nhưng nhiều hộ được chính quyền địa phương xác nhận nhà nằm vị trí số 2, nhiều nhà khác lại bị xác nhận là nhà nằm vị trí 1 khiến TSDĐ của các hộ chênh lệch khá lớn.

Ông Chữ đặt câu hỏi: “Vì sao hàng loạt căn nhà nằm kế cận nhà ông, cùng một dự án phân lô như các nhà số 5/8A; 5/9A; 5/16A; 5/20A; 5/9B,5/12B, 5/13B; 5/7D; 5/8D; 5/11D,… được UBND P14 xác nhận ở vị trí số 2 nên nộp thuế rất ít? Trong khi đó các nhà số 5/11A, 5/19A, 5/10D, 5/12D,... thì UBND P14 xác nhận nhà ở vị trí 1 và tiền thuế phải trả gần như gấp đôi so với các hộ được xác nhận nhà vị trí 2”.

Theo bà con, từ khi cầu Chợ Cầu xây dựng, mỗi khi ra vào hẻm phải đi vòng xuống đường dạ cầu, có nơi hẹp chỉ 2m. Theo quy định nhà trên hẻm nhỏ hơn 2m thì không phải vị trí 1.

 Nhiều người dân cho biết, việc đóng TSDĐ là nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật, thế nhưng, việc xác định vị trí thiếu công bằng giữa các hộ dân mới là điều bà con bức xúc.

Nhận thấy việc UBND Q.Gò Vấp và Chi cục Thuế Gò Vấp áp thuế còn tùy tiện, thiếu nhất quán nên nhiều người dân bất bình khiếu nại, được nơi đây trả lời: Chi cục thuế đã tính TSDĐ của các hộ căn cứ theo xác nhận của UBND P14 về vị trí nhà.

Trả lời khiếu nại của người dân, ông Đỗ Anh Khang, Trưởng Phòng QLĐT Q.Gò Vấp khẳng định các căn nhà nêu trên nằm trên tuyến hẻm có chiều rộng nơi nhỏ nhất lớn hơn 5m (tính từ đường chính vào tới vị trí nhà). Do vậy, UBND P14 xác nhận hẻm thuộc vị trí 1 là đúng quy định.

Riêng các trường hợp người dân phản ánh là được UBND P14 xác nhận vị trí 2, Phòng đề nghị UBND P14 tiến hành kiểm tra. Trường hợp xác nhận không đúng, UBND P14 sẽ phải xác nhận lại và Chi cục thuế Q.Gò Vấp sẽ truy thu thuế theo quy định.

Theo Sài Gòn Giải Phóng