Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã đi qua năm 2012 với rất nhiều “khoảng lặng”. Giải quyết hàng tồn kho và tìm hướng đi mới là vấn đề được nhiều chuyên gia địa ốc đề cập và kiến nghị giải pháp, nhằm tạo cơ hội cho thị trường “hồi sinh”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
TP. Hồ Chí Minh có khoảng 54.300 căn hộ từ hơn 100 dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2013 - 2016. Trong đó, hơn 20% nguồn cung tương lai dự kiến hoàn thành trong năm 2013 – 2014. riêng trong quý II và quý III/2013 trên địa bàn Thành phố sẽ có khoảng 2.000 căn hộ gia nhập thị trường. Theo Savills Việt Nam |
Trước đó, vấn đề tôn trọng khách hàng, khôi phục lại niềm tin nơi khách hàng cũng đã được nhiều chuyên gia đề cập đến bởi theo họ, khách hàng chính là người kéo thị trường ra khỏi sự “bất động” như hiện nay. “Điều quan trọng là các chủ đầu tư cạnh tranh với nhau phải thể hiện năng lực xây dựng dự án phù hợp với tiến độ góp vốn của người mua. Chỉ có như vậy mới cạnh tranh được với nhau, vì cho dù đưa ra căn hộ giá rẻ nhưng người mua không thấy được sự đảm bảo trong xây dựng thì họ sẽ không mua”, ông Nguyễn Duy Minh, Phó tổng giám đốc Hung Thinh Land nhận định.
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Nhằm “phá băng” thị trường nhà đất trong năm 2013, Chính phủ và các cấp bộ, ngành ngay trong những tháng cuối năm 2012 đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong rất nhiều giải pháp được đưa ra thì các nhóm giải pháp đề xuất của Bộ Tài chính và 6 nhóm giải pháp của Bộ Xây dựng được coi là các giải pháp kịp thời giải cứu thị trường BĐS.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã đề xuất các nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường nói chung, trong đó có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, như: Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% từ 1/7/2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư, kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội; Giảm 50% số thuế GTGT đầu ra từ 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội…; Các đề xuất này được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 02/ NQ-CP ngày 7/01/2013.
Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ kế hoạch gồm 6 nhóm giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… bảo đảm sự phát triển ổn định, minh bạch, theo quy hoạch, cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội;
Thứ hai, các cơ quan, ban ngành địa phương… tiến hành phân loại các dự án, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung - cầu, chuyển đổi mục đích cho phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng thanh toán của thị trường;
Thứ ba, về tín dụng và giải quyết nợ xấu, kết hợp giữa tái cơ cấu nợ cũ và cho vay mới để hoàn thành các dự án dở dang đã có đầu ra;
Thứ tư, thực hiện chính sách tài khóa và thuế, theo đó đề xuất Quốc hội cho phép miễn, giảm thuế GTGT, thuế TNDN đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở diện tích nhỏ, giá bán bình dân, các địa phương có tồn kho BĐS lớn...;
Thứ năm, các DN phải chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu DN giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường… chuyển sang cho thuê, thuê mua; công khai, minh bạch, thực hiện đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng;
Thứ sáu, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư đến phê duyệt các dự án BĐS, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu sản phẩm BĐS tồn kho…
Đại diện cho các DN BĐS, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất các giải pháp chính khơi thông thị trường, đó là: có cơ chế hỗ trợ để giải quyết hàng tồn kho; tập trung giải quyết nợ xấu của DN, xem xét cho các DN BĐS được cơ cấu lại các khoản nợ với mức lãi suất theo chính sách hiện nay… Đáng chú ý là giải pháp đề xuất phát triển căn hộ bán trả góp dài hạn từ 20 - 30 năm với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho người có một phần tài chính, thu nhập ổn định có khả năng sở hữu căn hộ.
Lạc quan!
Đánh giá về các giải pháp nói trên, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ cho rằng, để chính sách đi vào cuộc sống phải có độ trễ nhất định và nhà ở xã hội mới chỉ là phần rất nhỏ của thị trường. Tuy nhiên, những động thái tích cực quyết liệt trên làm đòn bẩy kích thích ấm dần lên. Có thể thị trường sẽ có “nhúc nhích” vào quý II/2013.
Tổng nguồn cung tại thị trường Hà Nội trong giai đoạn 2013 - 2016 khoảng 60.100 căn từ 110 dự án tương lai. Trong đó, nguồn cung chính là các quận Hà Đông và Từ Liêm, cung cấp gần 26.000 căn, chiếm 43% tổng nguồn cung tương lai. Theo Savills Việt Nam |
Lạc quan vào thị trường BĐS 2013, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Maxland nhận định, triển vọng thị trường phụ thuộc vào việc thực hiện các giải pháp trên đến mức độ nào và kịch bản của nền kinh tế, nhưng với dòng vốn FDI đổ vào BĐS có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, 2013 sẽ là một năm có nhiều hứa hẹn đầu tư cho BĐS.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường BĐS đang trong giai đoạn cấu trúc lại chính mình để hình thành diện mạo mới với cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn. Năm 2013, bất chấp những khó khăn về vốn, thị trường sẽ khởi sắc trở lại.
“Sau hai năm đóng băng, đã đến lúc thị trường được kỳ vọng đi lên trong năm 2013 nhất là với các giải pháp được các cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra và quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, những nhà đầu tư có thể nuôi hy vọng, bởi trong khó khăn bao giờ cũng xuất hiện nhiều cơ hội”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam, nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tài Chính
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: