Top

Thuê mặt bằng gần 400 triệu/tháng vẫn bị làm khó

Cập nhật 10/10/2018 15:02

Dù đã được TAND quận 10 (TP Hồ Chí Minh) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thế nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ Sao Kim (gọi tắt là Công ty Sao Kim) vẫn bị “đối tác” gây khó dễ, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh gây thiệt hại.

Doanh nghiệp kêu cứu


Theo đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, bà Vũ Ngọc Hương - Tổng giám đốc Công ty Sao Kim bức xúc, khi nhiều tháng nay mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty bị “đối tác” quậy phá, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Cụ thể, theo phản ánh của bà Hương, ngày 4/11/2016, Công ty Sao Kim ký hợp đồng thuê tòa nhà 407 Tô Hiến Thành và 173/40 Thành Thái của bà Đoàn Minh Loan - ông Vũ Mạnh Hùng với thời hạn 10 năm, số tiền là 380.205.000 đồng/tháng. Theo đó, Công ty Sao Kim được sử dụng từ tầng trệt đến tầng 7 của tòa nhà. Trong đó, được quyền sử dụng độc quyền toàn bộ khu vực thuê một cách liên tục, không riêng rẽ; được sử dụng không độc quyền tất cả các khu vực công cộng như tầng hầm, khuôn viên, lối đi, cầu thang, sảnh chung trong tòa nhà và quyền vận hành, trách nhiệm bảo trì hệ thống, trang thiết bị máy móc kỹ thuật của tòa nhà.

Tòa nhà 407 Tô Hiến Thành và 173/40 Thành Thái- nơi xảy ra tranh chấp giữa Công ty Sao Kim và chủ nhà.

Theo bà Hương, thời gian đầu, khoảng gần 8 tháng tòa nhà không có khách, Công ty Sao Kim phải bù lỗ 100% tiền thuê, nhưng vẫn trả đầy đủ cho bà Loan không thiếu một đồng nào. Thời gian sau, Công ty Sao Kim bắt đầu cho thuê kín khách. Khi nhân viên Nguyễn Võ Huyền Kim (nhân viên cũ của bà Loan đã được Công ty Sao Kim tuyển dụng lại) đã cho bà Loan xem doanh thu của tòa nhà, tiền thuê, tiền điện, tiền xe lên đến 600 triệu đồng/tháng thì bà Loan bắt đầu “gây sự”.

Cũng theo phản ánh của bà Hương, bà Loan liên tục không cho khách hàng của Công ty Sao Kim làm việc sau 7h tối. Không chỉ vậy, bà Loan và ông Hùng liên tục cắt toàn bộ điện phần diện tích mà Công ty Sao Kim đã thuê mà không thông báo trước. Thậm chí, bà Loan còn cho người đóng cửa tòa nhà, đóng cửa hầm xe… khiến 4/7 khách hàng đang thuê lại nhà qua Công ty Sao Kim bỏ đi trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 12/2017, khiến Công ty Sao Kim thiệt hại lớn. Tất cả hành vi gây khó khăn của bà Loan, ông Hùng đều được Công ty Sao Kim lập vi bằng.

“Bà Loan không cho khách hàng của Sao Kim làm việc sau 7h tối. Một công ty Telesale cho thị trường Mỹ thuê 3 tầng trong tòa nhà bị khủng hoảng, bế tắc, liên tục gọi điện và gửi thư phản ánh hành vi của bà Loan. Bà Loan cho đóng cửa tòa nhà, đóng cửa hầm xe, chửi mắng đuổi đánh, cắt điện tòa nhà. Sau một thời gian không thương lượng được họ đành bỏ đi. Tất cả những việc này đều có chứng cứ, biên bản, vi bằng lưu lại. Vụ việc đã khiến Công ty Sao Kim thiệt hại lớn…”, bà Hương nói.

Trước những xung đột ấy, Công ty Sao Kim đã nhiều lần gửi văn bản cho bà Loan yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, gửi đơn khiếu nại lên UBND phường 14 (quận 10, TPHCM) nhờ can thiệp, hòa giải. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Sự việc nghiêm trọng hơn khi có 3 người lạ mặt hành hung một nhân viên bảo vệ của Công ty Sao Kim.

“Ngày 26/8/2018 bà Loan ra thông báo Đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ cưỡng chế tất cả khách hàng của Công ty Sao Kim đang hoạt động ra khỏi tòa nhà vào ngày 26/9/2018. Cũng kể từ đó, bà Loan gọi cho từng khách hàng thông báo nếu không hủy hợp đồng với Sao Kim để ký với bà ấy thì ngày 26/9/2018 bà sẽ cắt điện, nước, đóng cửa tòa nhà. Khách hàng của Sao Kim ở đó có những công ty lớn, có cả trung tâm Callcenter, dưới sức ép của bà Loan vô cùng hoảng sợ.

Sau khi phát thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, một mặt bà Loan cho khóa tầng hầm, rào bằng ràn chắn inox cho dù tầng hầm là nơi chứa các thiết bị, máy móc kỹ thuật và cũng là nơi thoát hiểm và giao thông PCCC và cho một đám người lạ mặt vào khóa thang máy, cắt nước, cắt điện. Một mặt, bà ra sức gây áp lực cho khách hàng bằng cách liên tục đe dọa sẽ cho ngưng hoạt động vào ngày 26/9 . Khách hàng của Công ty Sao Kim hoang mang, khủng hoảng cực độ. Có một khách đòi di dời khẩn cấp tạm thời (vì chưa tìm được địa điểm mới) với chi phí di dời tới 2,4 tỷ…”, bà Hương cho biết.

Quyết định hợp tình, hợp lý

Nhận thấy vụ việc nghiêm trọng, Công ty Sao Kim đã gửi công văn yêu cầu bà Loan, ông Hùng ngồi lại thương lượng, giải quyết vụ việc và cho biết Công ty sẽ không tiếp tục thanh toán phần tiền còn lại cho bà Loan, ông Hùng cho đến khi hai bên thống nhất được với nhau. Tuy nhiên, phía bà Loan, ông Hùng không trả lời công văn. Thế nên, một mặt, để thực hiện đúng trách nhiệm, Công ty Sao Kim vẫn tiếp tục thanh toán tiền thuê, mặt khác, Sao Kim tiến hành các hồ sơ khởi kiện bà Loan, ông Hùng tại TAND quận 10.

Nhận được đơn khởi kiện của Công ty Sao Kim, sau khi nghiên cứu các chứng cứ liên quan đến vụ việc, ngày 25/9/2018, TAND quận 10 đã ra Quyết định số 24/2018/QĐ-BPKCTT.

Theo đó, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu: Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp là phần diện tích tòa nhà số 407 Tô Hiến Thành và 173/40 Thành Thái từ tầng trệt đến tầng 7; Cấm thực hiện các hành vi gây cản trở, gây khó khăn cho sự hoạt động bình thường của Công ty Sao Kim và các công ty đang khai thác, sử dụng phần diện tích của tòa nhà số 407 Tô Hiến Thành và 173/40 Thành Thái từ tầng trệt đến tầng 7.

Tiếp đó, ngày 26/9/2018, Chi Cục Thi hành án dân sự quận 10 (Tp HCM) đã có Quyết định số: 1899/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án chủ động. Quyết định nêu rõ: Cấm thực hiện các hành vi gây cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của Công ty Sao Kim và các Công ty khác đang sử dụng phần diện tích của Tòa nhà số 407 Tô Hiến Thành và 173/40 Thành Thái từ tầng trệt đến tầng 7.
Quyết định của TAND quận 10 và Chi Cục Thi hành án dân sự quận 10 là vậy, nhưng theo phản ánh của bà Hương, phía ông Hùng, bà Loan vẫn liên tục gây khó dễ cho hoạt động kinh doanh của Công ty Sao Kim bằng cách khóa một thang máy và không cho nhân viên kỹ thuật tiếp cận hệ thống điện ở tầng hầm.

Trao đổi với PV Báo, ông Lương Vũ Ngữ - Chủ tịch UBND phường 14 cho biết, việc tranh chấp giữa Công ty Sao Kim và bà Loan, ông Hùng đã được UBND phường mời lên hòa giải. Sự việc một nhân viên của Công ty Sao Kim bị đánh, UBND phường đã mời người bị đánh lên, ghi nhận hai bên có xô xát. Sau đó, nhân viên bảo vệ được chuyển đến bệnh viện. Hiện Công ty Sao Kim đã có đơn khởi kiện lên TAND quận 10 và tòa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Ông Trần Hữu Giới bảo vệ của Công ty Sao Kim bị nhóm người lạ mặt hành hung phải đi cấp cứu

Quyết định của TAND quận 10 là không trái luật

Theo Thạc sỹ Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa Công ty Sao Kim với ông Hùng, bà Loan đang được TAND quận 10 giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Khoản 2, Điều 112 BLTTDS quy định: Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đó có quyền ban hành một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định pháp luật.

Điều 113 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định: Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình; trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường.

Điều 122, Bộ luật tố tụng dân sự quy định biện pháp Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp như sau: Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Ngoài ra, Điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự quy định biện pháp Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định như sau: Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.

Như vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành thì Nguyên đơn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114, chi tiết tại Điều 122 và Điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự khi có căn cứ cho thấy hành vi của bị đơn trong quá trình giải quyế tụ án có thể gây thiệt hại đến tài sản của nguyên đơn. Nếu nguyên đơn yêu cầu không có căn cứ hoặc tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho bị đơn thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Theo thông tin sự việc nêu trên thì nếu có chứng cứ về việc tranh chấp xô xát, cản trở hoạt đồng kinh doanh của bị đơn như vậy thì việc yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ pháp luật. Các bên cũng có quyền yêu cầu tòa án buộc bên gây thiệt hại trong vụ việc trên phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại cho mình trên cơ sở những chứng cứ về thiệt hại thực tế xảy ra.

Quyết định thi hành án chủ động của chi cụ thi hành án dân sự quận 10

Trước một số ý kiến cho rằng, vụ kiện vừa mới được TAND quận 10 thụ lý ngày 21.9, nhưng ngày 26/9 ông Hùng, bà Loan mới yêu cầu Công ty Sao Kim chấm dứt hợp đồng thuê nhà, do vậy việc ngày 25.9 TAND quận 10 ra quyết định là vội vàng, luật sư Cường cho biết, trường hợp nếu không đồng ý với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bị đơn có quyền khiếu nại hoặc kháng cáo theo quy định pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì từ khi tòa án thụ lý, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án là thẩm phán có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời.

Ngay từ cái tên gọi các biện pháp này cũng đã cho thấy sự cần thiết phải áp dụng khi thụ lý vụ án dân sự. Cũng bởi vậy mà Bộ luật tố tụng dân sự cho pháp nguyên đơn được đưa ra yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay từ thời điểm nộp đơn khởi kiện. Cụ thể, khoản 2, Điều 111 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

Bởi vậy, qua thông tin ở trên cho thấy việc TAND quận 10 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi thụ lý vụ án dân sự 5 ngày là không trái pháp luật.

DiaOcOnline.vn - Theo Công Lý