Từ một “thánh địa” của cải lương thời suy vong vào những năm 2000, rạp Hưng Đạo được kỳ vọng khi xây mới sẽ làm cải lương hưng vượng hơn… Nhưng câu chuyện xây mới rạp Hưng Đạo lại là một nỗi đau không dứt.
Rạp Hưng Đạo được xây khoảng năm 1960 theo trí nhớ của nhiều soạn giả cải lương kỳ cựu. Cố nhà thơ-soạn giả Kiên Giang khi còn sống đã kể rạp Hưng Đạo thuộc loại rạp lớn và hiện đại nhất Sài Gòn thời bấy giờ, qua mặt cả rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân ở đường Trần Hưng Đạo hiện nay) vốn được gọi là một “hàng không mẫu hạm” siêu hiện đại, siêu lớn so với các rạp hát tân kỳ thời đó.
Từ siêu “hàng không mẫu hạm” đến “thánh địa chuột chạy”
Ký giả kịch trường Tần Nguyên tên tuổi trước năm 1975 đã kể rạp Hưng Đạo thập niên 1960 nằm trong cụm rạp quận Nhì, Sài Gòn (tức quận 1 hiện nay). Đó là cụm rạp hạng sang, chỉ những đoàn cải lương đại bang mới mướn nổi, gồm rạp Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Hảo - Aristo (tức khách sạn New World hiện nay). Nghệ sĩ, ký giả kịch trường, bầu gánh dưới tỉnh lên, khán giả muốn xem mặt nghệ sĩ đều tụ về cụm rạp này. Nhiếp ảnh kịch trường Huỳnh Công Minh cũng cho biết từ năm 1960-1961 ông đã chụp ảnh giải Thanh Tâm trao cho hai nghệ sĩ Bích Sơn, Ngọc Giàu tại rạp Hưng Đạo.
Nghệ sĩ Bảo Quốc thì cho biết từ năm 1965-1966 đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ - mẹ ông gần như trụ hẳn để diễn tại rạp Hưng Đạo. Những vở tuồng tên tuổi của đoàn Thanh Minh Thanh Nga và của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng như Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn… cũng ra mắt lần đầu tại rạp Hưng Đạo.
Sau năm 1975, đi qua thời hưng thịnh lần hai của cải lương vào thập niên 1980, cải lương bắt đầu xuống dốc và suy tàn từ thập niên 1990. Rạp Hưng Đạo cũng như tất cả rạp hát diễn cải lương khi ấy đìu hiu vắng khách. Hầu hết các rạp cải lương trong TP.HCM đều thay đổi công năng, biến thành nơi bán cơm tấm, quán cà phê, nơi giữ xe, nhà hàng, quán bar… rồi thành cao ốc, trung tâm thương mại. May nhờ rạp Hưng Đạo được giao cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang nên có ế ẩm vẫn còn tồn tại.
Tuy nhiên, rạp Hưng Đạo trải qua gần 50 năm tồn tại, không được tu bổ đáng kể nên xuống cấp trầm trọng. Mưa xuống rạp bị dột, ghế ngồi xập xệ, rạp trở nên ẩm thấp, có chuột chạy ra chạy vô thường xuyên. Vậy nên xây mới rạp Hưng Đạo đẹp hơn, hiện đại hơn là sự mong mỏi, khao khát của toàn thể giới cải lương.
Rạp Hưng Đạo mới hiện nay ngốn đến hơn 130 tỉ đồng xây dựng nhưng… khó để diễn. Ảnh: H.BÌNH
|
Nói một đằng, xây một nẻo
Sau bao mong mỏi của giới nghệ sĩ cải lương, dự án xây mới rạp Hưng Đạo ra đời vào năm 2005 trong chủ trương nâng cấp các rạp hát của Ban Quản lý dự án các công trình văn hóa, Sở VH-TT&DL TP.HCM. Cho đến năm 2009, UBND TP.HCM đã có đợt khảo sát và phê duyệt việc xây dựng Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo theo thiết kế đề xuất của nhà hát Trần Hữu Trang. Theo thiết kế này, Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo có kinh phí 59 tỉ đồng, gồm bảy tầng, trong đó sân khấu chính với 700 ghế ngồi; sân khấu thử nghiệm 300 ghế ngồi; phòng thu; phòng thư viện trưng bày băng đĩa, tư liệu cải lương.
Tháng 4-2013, rạp Hưng Đạo mới được động thổ xây dựng bằng một buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo TP, Sở VH-TT&DL, nhà hát Trần Hữu Trang và hai nghệ sĩ kỳ cựu là nghệ sĩ Lệ Thủy và NSND-đạo diễn Huỳnh Nga. Dự án xây mới rạp Hưng Đạo lúc này cũng được điều chỉnh so với lúc ban đầu: Trung tâm này có diện tích 929 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 6.358 m2. Công trình gồm một hầm và năm tầng, chiều cao 34 m. Hai khán phòng được xây dựng theo hình thức kiến trúc hiện đại kết hợp yếu tố truyền thống. Khán phòng chính 634 chỗ ngồi, khán phòng phụ là sân khấu thể nghiệm gồm 298 chỗ ngồi. Trong công trình còn có khu văn phòng làm việc, khu vực đào tạo, phòng truyền thống, thư viện và khu vực sản xuất băng đĩa. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn tiên tiến với trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, hệ thống ánh sáng, kỹ thuật sân khấu hiện đại.
Sau hai năm xây dựng, đến tháng 4-2015, ngay trước lễ khánh thành rạp Hưng Đạo xây mới như một công trình chào mừng 40 năm thống nhất đất nước thì giới cải lương bàng hoàng, đau đớn khi họ là những người đầu tiên được bước chân vào rạp mới. Đạo diễn-NSND Trần Ngọc Giàu, tân giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và nhiều nghệ sĩ gạo cội như Kim Tử Long đã kêu trời cho biết: Sàn diễn của nhà hát mới đã bị thu nhỏ một nửa so với rạp cũ; trần nhà hát quá thấp, không thể dựng cảnh trí hoành tráng được; không có kho để chứa đạo cụ ở nhà hát mới; khán phòng chật hẹp, độ dốc không phù hợp, khán giả ngồi trên ghế cứ bị chuồi xuống đất; dàn đèn, âm thanh bố trí sai kỹ thuật, không có chỗ cho dàn nhạc ngồi, phòng hóa trang quá xa sân khấu; nhà hát mới chỉ có hơn 600 chỗ trong khi rạp cũ hơn 1.000 chỗ…
Tóm lại, từ một nhà hát hiện đại trong mơ của các nghệ sĩ cải lương là hoành tráng, kỹ thuật tân kỳ để tha hồ sáng tạo, dàn dựng, rạp Hưng Đạo mới trở thành một nhà hát phế phẩm, thua xa cái rạp cũ kỹ trước đây. Đau đớn hơn, giới cải lương đã tan nát thực lực sau năm năm rạp cũ bị đập bỏ để mỏi mòn chờ rạp mới. Rạp mới đội kinh phí từ 59 tỉ đồng, rồi 100 tỉ đồng ban đầu lên đến 132 tỉ đồng nhưng chỉ là một cái rạp chắp vá kỹ thuật, chỉ có thể dựng được những vở diễn tầm trung bình, không thể dựng vở lớn, vở hoành tráng có nhiều cảnh trí, kỹ thuật, vũ đạo. Khán giả vô rạp ngồi không thoải mái, bầu show thì méo mặt vì sân khấu khó dựng, hạn chế, không thể đầu tư lớn, số ghế để bán vé lại ít ỏi không thể thu hồi vốn. Vậy nên rạp Hưng Đạo mới lại vắng teo, giới cải lương tan tác, chạy qua rạp Công Nhân cũ kỹ trước đây còn không bằng rạp Hưng Đạo cũ để thuê mướn. Vở lớn thì xót tiền xót dạ thuê mướn nhà hát Bến Thành hay nhà hát Hòa Bình với giá cao trên trời rồi bán vé bạc triệu để thu hồi vốn. Mà nhà hát Hòa Bình hay Bến Thành cũng không dễ mướn, khó trống lịch vì các chương trình biểu diễn lớn khác đều tụ về đây. Khán giả cũng kêu trời vì cải lương chất lượng bán vé quá cao.
Trong khi đó, rạp Hưng Đạo mới tiêu tốn 132 tỉ đồng thì vẫn ù lì đứng trơ trơ đó như một nỗi đau ngày qua ngày cứ cứa vào lòng giới cải lương, công chúng yêu cải lương mà không sao giải quyết được.
Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm
Tháng 1-2016, Sở Xây dựng TP.HCM đã cho thanh tra công trình xây dựng mới rạp Hưng Đạo. Kết luận thanh tra trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án, các tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện các gói thầu. Trong đó, Sở VH-TT&DL TP.HCM (nay là Sở VH-TT TP), Sở Xây dựng TP.HCM đã thiếu kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Sở VH-TT&DL TP.HCM giao cho các đơn vị thiếu năng lực quản lý làm chủ đầu tư dự án và thay đổi nhiều lần chủ đầu tư. Thiết kế sai quy chuẩn, kéo dài thời gian thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu tùy tiện, đội vốn đầu tư từ 59 tỉ đồng lên 132 tỉ đồng nhưng hiệu quả không đạt như mục đích ban đầu.
Sửa lại vẫn khiến giới cải lương ngán ngẩm
Sở VH-TT cùng Sở Xây dựng TP.HCM đã họp kiểm điểm, nhận trách nhiệm và khắc phục hạn chế của rạp Hưng Đạo để đưa vào sử dụng từ năm 2017. Tuy nhiên, cho đến nay dù đã đi vào hoạt động, rạp Hưng Đạo vẫn là một rạp phế phẩm, không được giới cải lương ưu tiên lựa chọn. Cải lương vẫn sống lay lắt nhờ rạp Công Nhân và một số địa điểm khác như Nhà văn hóa Thiếu nhi Bình Thạnh…
DiaOcOnline.vn - Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: