Tại một hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 13-12, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp có nêu ý kiến là việc sửa, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng (GPXD).
Nội dung ghi nhận này của Pháp Luật TP.HCM (ngày 13 và 14-12) làm nhiều bạn đọc nghĩ đến một đòi hỏi quá vô lý của pháp luật về xây dựng nhưng thực ra không phải như vậy.
Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
|
Qua cách nói trên, có thể ông Hiệp muốn bày tỏ sự không hài lòng về những thủ tục hành chính nhiêu khê trong lĩnh vực xây dựng. Song cần lưu ý là Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề có quy định dẫn đến việc “sửa, đổi chỗ toilet phải sửa GPXD”.
Đầu tiên phải lưu ý là riêng các trường hợp “sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình” thuộc diện miễn GPXD (điểm g khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng). Với Điều 90 luật này, GPXD gồm có các nội dung chủ yếu như địa điểm, vị trí xây dựng, loại, cấp công trình, cốt xây dựng công trình… Đối với nhà ở riêng lẻ thì còn phải có thêm các nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng một (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình. Tức GPXD không “đả động” gì đến các phòng ốc hay việc bố trí nội thất bên trong công trình. Các sắp xếp này chỉ được thể hiện trong bản vẽ thiết kế xây dựng.
Cũng theo Luật Xây dựng, việc phải điều chỉnh GPXD chỉ áp dụng cho những điều chỉnh thiết kế quan trọng. Đơn cử như thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc, hoặc thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính. Hoặc khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Như vậy, nếu đơn thuần là dời toilet bên trong công trình và không thuộc một trong các trường hợp điều chỉnh thiết kế nói trên thì chủ đầu tư không phải làm thủ tục điều chỉnh GPXD.
Thêm một quy định có liên quan mà nhiều người cần biết là: Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng, các thay đổi thiết kế bên trong công trình nhà ở riêng lẻ mà không ảnh hưởng đến việc PCCC; môi trường; công năng sử dụng; kết cấu chịu lực chính hoặc kiến trúc mặt ngoài công trình không bị coi là hành vi xây dựng sai phép.
Nhân đây cũng xin được nhắc lại một “công trạng” cũ của Pháp Luật TP.HCM trong việc góp thêm tiếng nói để loại bỏ các bất hợp lý trong việc thực thi pháp luật về xây dựng. Trước đây, một số nơi đã nhất nhất căn cứ vào bản vẽ thiết kế để xử phạt vi phạm xây sai phép đối với những trường hợp chủ đầu tư tự thay đổi kích thước phòng ốc và bố trí nội thất bên trong công trình. Từ nhiều bài báo phân tích đúng, sai và một hội thảo do Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào năm 2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 02/2014 minh định việc chính quyền không can thiệp sâu vào nội thất của từng căn nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: