Top

Thừa Thiên - Huế: Xây dựng đô thị mang tầm quốc tế

Cập nhật 05/01/2009 09:05

Trong xu thế đô thị hóa, Thừa Thiên - Huế cũng phải “vươn vai” cùng với khu vực cũng như cả nước để tăng tốc phát triển. Thách thức phát triển đô thị có thể sẽ mâu thuẫn với mục tiêu bảo tồn di tích, di sản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thiện - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

* Tại Hội thảo quốc tế về các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á vừa được tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng Huế và Đà Nẵng cần kết hợp để tạo nên một “siêu đô thị” trong tương lai, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Để Huế phát triển nhanh và bền vững, Thừa Thiên - Huế cần liên kết trong việc thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với các vùng trong khu vực như liên kết với thành phố Đà Nẵng và Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Với hình thức nào thì việc xây dựng và phát triển đô thị Huế cũng không thể phá vỡ cảnh quan vốn có của mình. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến cảnh quan môi trường, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế, phát huy giá trị của một thành phố di sản - văn hóa nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa du lịch có giá trị, góp phần xây dựng Huế thực sự trở thành một trung tâm văn hóa du lịch lớn của cả nước, một thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới.

* Thực tiễn từ việc phát triển Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô vài năm qua đã dần hình thành “bộ mặt kinh tế” mới của tỉnh Thừa Thiên – Huế, KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ có vị thế, vai trò như thế nào trong việc hình thành và phát triển siêu đô thị, thưa ông?

KKT Chân Mây - Lăng Cô đã được quy hoạch định hướng là một đô thị cảng, đầu mối giao thương đường biển quan trọng, cung cấp dịch vụ cảng nước sâu, là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia và là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Như thế, đô thị Chân Mây - Lăng Cô không chỉ có vai trò quan trọng là hạt nhân trong định hướng phát triển đô thị của Thừa Thiên - Huế, mà còn là một đô thị động lực của miền Trung như định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

* Năm 2008, Thừa Thiên - Huế được xem là địa phương đi đầu trong việc thu hút đầu tư các dự án FDI thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; đây là điều kiện để Thừa Thiên - Huế bứt phá đi lên. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác về vấn đề này?

Thu hút đầu tư FDI của Thừa Thiên - Huế đạt gần 1,7 tỷ USD, xếp thứ 10 trên toàn quốc và dẫn đầu các tỉnh trong khu vực miền Trung.

Trong thời gian qua, tỉnh đã hết sức nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp kêu gọi đầu tư như: tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và các thiết chế pháp lý đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, áp dụng tốt cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư của doanh nghiệp, tập trung các giải pháp để nâng cao Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2008, tỉnh Thừa Thiên - Huế có chỉ số PCI xếp vị thứ 10/63 tỉnh, thành, tăng 5 bậc so với năm 2007.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án hoàn thành các thủ tục đầu tư, trong năm 2009, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi và giao đất. Tiếp tục tổ chức các diễn đàn trao đổi thông tin và giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp giải quyết tất cả những vướng mắc và kiến nghị của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng