Top

Thừa Thiên-Huế: Lại loạn lăng mộ

Cập nhật 07/11/2008 01:00

Xí phần mua bán đất nghĩa trang, nghĩa địa; đầu tư nhiều tiền của xây lăng mộ tự phát, chạy đua kiểu cách.

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 4-8 có bài “Ồ ạt xây lăng mộ chạy quyết định” phản ánh tình trạng hàng trăm lăng mộ đua nhau mọc lên với diện tích cả trăm m2/mộ dù tỉnh mới ban hành Quyết định 1700 phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn với diện tích khống chế 5 m2/mộ.

Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn đang là vấn nạn chung tại tỉnh này.

Lãng phí tài nguyên


Trong vai người đi tìm đất chôn cất người thân sắp qua đời, chúng tôi đến nghĩa trang TP Huế (phường An Tây) tìm gặp anh Th. - người được xem là có nhiều đất huyệt.

Vừa mới ngỏ lời, anh Th. nhanh nhảu: “Anh muốn mua huyệt đôi hay huyệt lẻ? Thích gần hay xa đường cái, tôi sẽ lo cho anh từ A đến Z! Chôn cất ở đây, muốn xây lăng to, lăng nhỏ thoải mái”. Anh Th. chỉ cho chúng tôi những ngôi mộ gió nằm phía trên đồi thông. Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa ưng ý, anh liền rút di động điện thoại cho một người khác. Ngay sau đó, người đàn ông tên H. xuất hiện đưa chúng tôi ngược lên phía tây, cách khu vực ban quản lý nghĩa trang hơn 2 km. Chỉ vào miếng đất có hai mộ gió, anh H. nói: “Đây là huyệt đôi, rộng hơn 30 m2, giá 200 ngàn đồng/m2. Nếu cần mua đất huyệt có sổ đỏ, ngược lên khoảng 500 m nhưng giá 500 ngàn đồng/m2. Ở TP, có được miếng đất để chôn như thế là nhất rồi. Diện tích đáp ứng theo nhu cầu, muốn xây kiểu cách như thế nào là tùy chủ. Ở đây, hàng tháng tôi bán vài ba huyệt là chuyện thường”.

Tại các nghĩa trang, nghĩa địa ở xã Vinh An (Phú Vang), hàng trăm ngôi mộ được xây dựng sang trọng theo đủ lối kiến trúc Á, Âu, trang trí rồng, phụng và những phiến đá hoa cương đa sắc nằm san sát, lộng lẫy hơn cả phố phường. Ở đây, mỗi ngôi mộ có diện tích trung bình 35-100 m2, đặc biệt nhiều ngôi mộ rộng 500-600 m2. Tình trạng này còn diễn ra ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Vinh Mỹ ( Phú Lộc)... Cả người giàu, người nghèo đều bị cuốn vào phong trào xây cất lăng mộ. Chuyện lấn chiếm đất vườn, các khu dân cư, trên ruộng đồng để xây lăng mộ gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, nguồn nước sinh hoạt.

Trên nói dưới làm nhưng...


Ông Nguyễn Viết Từ, Chủ tịch UBND xã Phong Hải (Phong Điền), một trong những địa phương có phong trào xây lăng mộ khá rầm rộ, cho biết: “Khi Quyết định 1700 được ban hành, xã triển khai họp dân, tuyên truyền và được người dân đồng tình. Họ còn mừng hơn là bây giờ ở địa phương chấm dứt tình trạng “gà tức nhau tiếng gáy” làm hao tiền tốn bạc của con cháu phương xa. Hiện nay, người dân xã Phong Hải đã thống nhất nếu có người qua đời, chính quyền địa phương sẽ cấp 5 m2 để chôn cất. Khi có nhu cầu xây lăng mộ cho người quá cố, giá trị không vượt quá 16 triệu đồng/ngôi mộ”.

Anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Lộc, cho hay: “Đến năm 2020, số lượng nghĩa trang do nhà nước xây dựng và quản lý tăng lên; số lượng và quy mô diện tích đất do nhân dân mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần. Vấn đề là phải có nguồn lực tài chính, con người trong quá trình triển khai quy hoạch; di dời các khu mộ nhỏ lẻ vào nghĩa trang tập trung, có hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường”...

Trong một cuộc họp mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: Sắp tới có hàng loạt nghĩa địa phải di dời, đồng nghĩa với việc cất bốc hàng trăm ngàn ngôi mộ tại các địa phương. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, đụng đến tâm linh của người dân nhưng không thể không làm.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP