Trong tình hình vật liệu xây dựng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa hiện nay, nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng: đây là thời cơ để Chính phủ phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thấp.
Kinh nghiệm tại Indonesia
Tại Hội nghị thượng đỉnh bất động sản Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở TPHCM vừa qua, ông Ir.F.Teguh Satria, Chủ tịch FIABCI Indonesia, đã trình bày một mô hình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp rất thành công ở Indonesia.
Theo đó, các chung cư trong chương trình cũng được xây dựng tối đa 6 tầng, không dùng thang máy như ở ta. Nhưng diện tích căn hộ chỉ 21 - 36 m2, giá tối đa là 15.000 USD (khoảng 250 triệu đồng). Trong khi giá đất cũng ở mức hơn 1.000 USD/m2, không thua kém gì ở TPHCM.
Phía Chính phủ thì có nhiều chính sách hỗ trợ như: cho người thu nhập thấp trả góp trong 30 năm; trong 4 - 8 năm đầu, Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, trong thời gian đó, căn hộ bị cấm sang nhượng. Đồng thời, Chính phủ cũng quy định người có thu nhập dưới 480 USD/năm mới được mua nhà diện này.
Còn phía doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi thuế xây dựng chỉ là 1% (thuế xây dựng các loại hình nhà ở khác là 5%). Ngoài ra, họ còn được giảm thuế giá trị gia tăng.
Chính những chính sách ưu đãi đó giúp doanh nghiệp có lãi từ 10 - 15%, người thu nhập thấp có điều kiện mua căn nhà phù hợp với túi tiền của mình vì diện tích căn hộ nhỏ nên giá rẻ. Nhờ đó, qua 2 năm triển khai chương trình này, Indonesia đã xây dựng được 100.000 căn hộ kiểu này.
Chính phủ Indonesia cũng tin là dù trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, chương trình nhà cho người thu nhập thấp vẫn luôn thu được lợi nhuận nhất định nên hoàn thành đúng hạn và có nhu cầu.
Thời cơ cho Việt Nam
Hiện tại, chỉ riêng TPHCM cũng có hơn 200.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, hơn 1,5 triệu dân nhập cư, hàng chục ngàn hộ gia đình trong diện giải tỏa… cần có nhà ở. Những đối tượng này đều có thu nhập thấp, rất khó mua được nhà cũng như căn hộ với giá cả như hiện nay.
Do đó, Hiệp hội Bất động sản TPHCM liên tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi luật Nhà ở, cho phép xây dựng những căn hộ nhỏ hơn 30 m2, tăng số tầng chung cư nhà ở xã hội... Làm như vậy sẽ giúp giảm giá mỗi căn hộ.
Dù Chính phủ vẫn chưa chấp thuận các đề xuất của giới bất động sản TPHCM, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đã lao vào thị trường này.
Theo ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng & Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, đây là cơ hội rất thuận tiện để phát triển quỹ nhà cho người thu nhập thấp. Bởi trong tình hình giảm phát hiện nay của ngành bất động sản, giá vật liệu xây dựng có chiều hướng giảm; các dự án nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu khủng hoảng thừa, chỉ cần có vốn các nhà đầu tư sẽ chú trọng dồn lực vào nhà ở giá rẻ.
Theo tính toán của ông, nếu nhà nước có chính sách xây dựng quy mô thì các công ty xây dựng sẽ bỏ công của ra nghiên cứu quy trình xây dựng, áp dụng công nghệ hiện đại để xây dựng hàng loạt thì giá thành xây dựng có thể giảm đến 20 - 30% so với hiện nay mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt.
Ông Hải ước lượng: “Nếu được vậy thì giá nhà thành phẩm đến tay người tiêu dùng có thể chỉ là 20.000 USD/căn hộ 30m2 tại TPHCM”. Nếu Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về thuế, chính sách thì giá còn có thể giảm hơn.
Theo nhiều chuyên gia, động thái này không chỉ giúp giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp mà còn giúp thay đổi tình trạng hàng tồn kho của ngành vật liệu xây dựng, giải quyết nhu cầu lao động của nhân lực ngành xây dựng… đang có dấu hiệu đình trệ do các dự án bị đóng băng.
Điều quan trọng là Chính phủ có nắm lấy cơ hội này, nới rộng chính sách tài chính, tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào lĩnh vực này hay không.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: