Quan niệm của người Việt “an cư” thì mới “lạc nghiệp”. Do vậy, nhiều người vẫn có tâm lý thích sở hữu nhà hơn là đi ở nhà thuê, cho dù không đủ tiền phải đi vay mượn cũng chấp nhận vay để mua nhà.
Nhất là các bạn trẻ ở các miền quê lên lập nghiệp tại các thành phố lớn đều mong muốn có một căn nhà nhỏ để xây dựng tổ ấm.
Nhưng với giá cả sinh hoạt đắt đỏ ở các đô thị lớn, nhiều người đã phải cố gắng nỗ lực hết mình, dành dụm chắt chiu mấy chục năm cũng không đủ tiền mua đất, mua nhà.
Ảnh minh họa
|
Đến thời điểm hiện tại, giá nhà ở Hà Nội và các thành phố lớn đã giảm rất nhiều so với trước, nhà nước lại tung ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho người thu nhập thấp vay với lãi suất ưu đãi nhằm kích cầu thị trường, người thu nhập thấp, những lao động ngoại tỉnh có cơ hội tiếp cận vốn vay mua nhà và nhiều người cũng nhận định đây là thời điểm “đáy” của thị trường, những người có nhu cầu thực nên xuất vốn mua nhà.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại cho rằng giá nhà ở Việt Nam, (nhất là Hà Nội) ở thời điểm hiện tại dù đã giảm nhưng vẫn ở ngưỡng quá cao so với thế giới cũng như trong khu vực. Và ở nhà thuê có lợi hơn so với việc bỏ một khoản tiền lớn ra mua nhà.
Nhiều người lại không ủng hộ quan điểm này với tư duy mua nhà là nhà của mình, tài sản để dành cho con cháu, có giá trị đầu tư... Còn sau mấy chục năm ở nhà thuê thì đến lúc nhìn lại cũng chỉ là hai bàn tay trắng.
Chính lối tư duy này là một trong những nguyên nhân đẩy giá bất động sản tại Việt Nam (nhất là Hà Nội) dù đã giảm nhưng vẫn còn cao ngất ngưởng như hiện nay.
Nhiều người mua nhà bất chấp giá cả quá ảo, bất chấp chất lượng công trình thi công tệ hại, bất chấp tiện ích đi kèm yếu kém và thiếu thốn... Rất nhiều gia đình hiện nay nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn tiêu chỉ vì tiết kiệm tiền mua nhà. Với một cặp vợ chồng thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng, nếu tích cóp để mua nhà thì không biết bao giờ mới mua được, nếu đi vay để mua nhà thì phải chịu gánh nặng lãi suất và không biết có trả nổi nợ không…
Do đó, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải thay đổi tư duy, việc đi thuê nhà vừa kinh tế hơn, chủ động hơn, vừa giải quyết rất tốt cho những người có nhu cầu về nhà ở, không phải lo gánh nặng về vay mượn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở các nước phát triển, đa số người dân đều đi thuê nhà dù rất nhiều người có khả năng sở hữu nhà ở và dù giá cả bất động sản ở nước họ trên thu nhập thấp hơn tại Việt Nam rất nhiều.
DiaOcOnline.vn - Theo VLand
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: