Việc ban hành văn bản pháp quy liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân. Đừng quá chăm chút đến lợi ích của chủ đầu tư và đổ hết lỗi lên đầu người dân có đất trong dự án.
Luật chưa nghiêm với chủ dự án
Nguyên nhân dự án trì trệ kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ do người dân có đất trong dự án chỉ là phần rất nhỏ, mà chủ yếu là do:
Mức bồi thường không thỏa đáng: Giá bồi thường chỉ bằng 5-40% giá thị trường
Chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính: Việc chấp thuận dự án đầu tư thường bỏ khâu kiểm tra năng lực tài chính vì những lý do mà ai cũng hiểu. Nhiều dự án được thực hiện theo kiểu "xí phần" rồi sang nhượng dưới chiêu thức liên doanh, hợp tác đầu tư... Khi chưa gọi được đối tác thì tìm cách kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Thiếu đối thoại giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất: Hầu hết các chủ đầu tư đều biến các cơ quan chính quyền thành công cụ phục vụ cho họ trước khi họ đối thoại với dân thay vì làm ngược lại (Không một chủ đầu tư nào chịu ra mặt đàm phàn thỏa thuận với dân ngay từ đầu, mà họ chỉ ra mặt thỏa thuận với dân sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp hành chính không thành và người dân khiếu nại kiện cáo lên các cấp chính quyền cao hơn).
Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ là cơ quan trung gian giữa chủ đầu tư và người dân bị thu hồi đất và không phải là chủ thể đền bù (người bỏ tiền đền bù), nhưng lại quyết định mọi giá cả đền bù là bất hợp lý.
Cách giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân bị thu hồi đất chưa hợp lý: Đơn khiếu nại tố cáo gửi lên cấp trên đều bị chuyển lòng vòng xuống cấp bị khiếu nại tố cáo. Thử hỏi khi nào thì đơn thư được giải quyết, nếu được thì liệu có thỏa đáng hay không?
Thực hiện luật pháp chưa nghiêm với các chủ dự án. Luật Đất đai năm 2003 quy định "... dự án được giao đất mà quá 12 tháng chưa triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm quá 24 tháng thì bị thu hồi... ", nhưng thực tế có nhiều dự án sau nhiều năm chưa triển khai hoặc triển khai chậm 10-15 năm vẫn không bị thu hồi và cũng không có biện pháp chế tài nào.
Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án hầu hết chủ đầu tư chẳng thiệt hại gì, mà chỉ có người dân là "chịu trận". Chủ đầu tư luôn kêu ca về chi phí hàng ngày cho dự án tăng: như nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng,... nhưng những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với giá trị dự án tăng lên. Chẳng thế mà họ (chủ đầu tư) thà kéo dài thời gian thực hiện dự án, chứ đâu chịu bỏ phần chi phí tăng thêm đó để đền bù thỏa đáng cho dân nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trình độ hiểu biết của dân về luật pháp còn hạn chế và cũng có những trường hợp người dân đòi hỏi quá đáng, khiếu nại kiến cáo sai thực tế, nhưng đó chỉ là những hạt cát giữa biển khơi mà thôi.
Bất cập chính sách
Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại một số điều bất cập:
Khi một dự án được phê duyệt là gây ảnh hưởng đến hàng trăm hàng ngàn hộ dân, nhưng chỉ cần dự án được phê duyệt là người dân trong dự án gần như mất quyền sử dụng đất: không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng...
Gần đây, có quy định cho xây nhà tạm, nhưng lại bắt cam kết tự tháo dỡ và không yêu cầu bồi thường khi giải phóng mặt bằng - đây là điều phi lý và đẩy hết thiệt hại lên đầu người dân. Nếu quy định trong thời hạn 1-2 năm kể từ ngày chấp thuận dự án thì người dân còn chịu được, đằng này nhiều dự án treo hoặc thực hiện trì trệ kéo dài 10-15 năm, người dân quá bị thiệt thòi.
Khi người dân khiếu nại kiện cáo thì bảo phải thực hiện các quyết định hành chính trước rồi kiện cáo khiếu nại sau. Nhà, đất đã bị mất rồi (cưỡng chế thu hồi bất kể đúng sai) rồi mới đi khiếu nại kiện cáo và cách giải quyết khiếu nại kiện cáo như trên chỉ làm cho dân càng thiệt thòi thêm. Nên có trường hợp khiếu nại kiện cáo kéo dài, sau 10-20 năm được giải quyết thỏa đáng thì cũng bằng không vì nhà mất, đất mất lại mất thêm công sức thời gian tiền bạc cho khiếu nại kiện cáo, đôi khi còn mất luôn cả hạnh phúc gia đình, thậm chí mất mạng. Phần mất mát này còn lớn hơn cả nhưng gì được bồi thường cho dù là thỏa đáng.
Đơn thư khiếu nại của dân không được thẩm tra giải quyết rốt ráo mà bị chuyển lòng vòng, cuối cùng lại về với đối tượng bị khiếu nại. Thử hỏi có bao giờ kẻ có tội, làm sai lại tự nhận là mình sai trước kẻ kiện cáo mình.
Sự thiếu minh bạch trong kết quả xét xử khi tòa án các cấp quận, huyện, thành phố, thị xã lại trực thuộc UBND các cấp đó.
Đừng để giọt nước làm tràn ly
Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng lâu nay chưa thỏa đáng, khiến người dân bất bình, dẫn tới khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai và công tác đền bù giải phòng mặt bằng. Nay với hai phương án mà Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, nên:
Thứ nhất, bỏ việc nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, thay vào đó Nhà nước thu hồi đất đối với mọi trường hợp.
Thứ hai, vẫn giữ cơ chế nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất, nhưng bổ sung theo hướng trường hợp nhà đầu tư mua được trên 80% diện tích đất cho dự án, hoặc mua được đất của trên 80% số chủ sử dụng ở trong khu vực dự án, mà phần diện tích đất còn lại, hoặc số chủ sử dụng đất còn lại nhà đầu tư không thoả thuận được, thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.
Với lý do:
"... một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng vẫn không hoàn tất được việc thu hồi đất do 10% còn lại... không đồng ý nhưng không có cơ chế xử lý!".
"... khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất thì giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường dẫn tới khó khăn cho việc thu hồi đất của dự án khác trong cùng địa bàn".
Rõ ràng những đề xuất này chỉ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và càng làm thiệt hai cho người dân bị giải tỏa. Bác Hồ đã dạy "Khó mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong", nhưng đề xuất như vậy khác nào chỉ chú trọng lợi ích của chủ đầu tư mà chưa qan tâm đến người dân?.
"10% còn lại" không phải không có cơ chế xử lý - chính quyền đã chẳng thi hành cưỡng chế rồi đó sao. Thậm chí không phải còn 10%, 20% chính quyền địa phương mới ban hành quyết định và thi hành cưỡng chế, mà còn 30- 40% đã cưỡng chế dân rồi, như dự án sân golf Rạch Chiếc - An Phú quận 2, TP.HCM chẳng hạn.
Vì sao "... giá thỏa thuận cao hơn giá bồi thường", điều đó chứng tỏ giá bồi thường chưa hợp lý. Các dự án khác cũng phải theo đó mà bồi thường mới đúng chứ. Dân giàu nước mạnh là đường lối chủ trương phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.
Nhà nước chủ trương: "Phải đảm bảo quyền lợi cho dân, đền bù cho dân thỏa đáng, sát giá thị trường để tránh khiếu nại kiện kéo dài", gây lãng phí tiền bạc, thời gian của dân của nước. Nhưng với đề xuất như thế của Tổng Cục quản lý đất đai, liệu có làm giảm thêm khiếu nại, kiện cáo hay không? Liệu đã đảm bảo quyền lợi của người dân?
Để hạn chế, những người dân đòi hỏi quá đáng, sao không ban hành quy định về "giá trần" bồi thường. Chẳng hạn, giá trần được xác định bởi giá thị trường tại thời điểm thỏa thuận (trong thời hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tối đa là 6 tháng). Nếu người dân không chấp nhận giá trần thì mới tiến hành cưỡng chế.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: