Để xảy ra tình trạng ồ ạt làm khu công nghiệp rồi bỏ hoang như hiện nay “có lỗi của hệ thống điều hành”. Cuộc chạy đua thành lập các khu công nghiệp (KCN) với mục đích là có KCN và hy vọng hưởng lợi từ các KCN đang làm mất đi quy hoạch tổng thể, không gắn quy hoạch KCN với quy hoạch ngành, vùng và quy hoạch lãnh thổ quốc gia. Quy hoạch KCN cũng chưa xem xét đầy đủ tất cả các yếu tố: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực vật chất, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Tình hình đầu tư phát triển các KCN không theo quy hoạch tổng thể, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng nên đã không tận dụng được lợi thế so sánh, dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt làm hiệu quả hoạt động các KCN bị giảm sút. Lý giải câu chuyện này, ông Phạm Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp, Bộ Công thương cho rằng để xảy ra tình trạng ồ ạt làm khu công nghiệp rồi bỏ hoang như hiện nay “có lỗi của hệ thống điều hành”.
Nhiều khu công nghiệp ở ĐBSCL quy hoạch xong rồi... bỏ hoang mấy năm nay (ảnh: Internet)
|
* Thưa ông, xét ở góc độ quy hoạch các KCN, các địa phương đang làm đúng hay sai?
Ông Phạm Văn Liêm: Thực tế đó là các tỉnh, địa phương đều đang quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020. Quy hoạch này đều có có lộ trình thực hiện trong 5- 10 năm. Đó là để có kế hoạch quỹ đất về đầu tư KCN lâu dài. Thực tế quy hoạch của các tỉnh đều tính toán không cho phát triển công nghiệp lộn xộn mà phải tập trung vào các cụm công nghiệp, KCN để quản lý về môi trường, nước thải, không gây ô nhiễm.
Theo tôi, nếu thực hiện đúng quy hoạch thì không vấn đề gì cả. Thủ tướng Chính phủ có quy định, các khu công nghiệp cũ phải lấp đầy được 60% mới được triển khai tiếp.
* Nhưng thực tế khi đang triển khai thì các KCN đều có tỷ lệ lấp đầy rất thấp?
Ông Phạm Văn Liêm: Tỷ lệ rất thấp thì đúng rồi, khu có hạ tầng để cho thuê thì không nhiều, toàn là để không. Có một số khu đã thu hồi đất nhưng không thu hút được đầu tư, chưa có hạ tầng. Thực tế là doanh nghiệp không có hạ tầng mà vào KCN, lằng nhằng ở chỗ “quả trứng và con gà”. Về nguyên tắc muốn thu hút đầu tư phải quy hoạch KCN chi tiết, xây dựng hạ tầng mới kêu gọi đầu tư, nhà đầu tư vào mà không có hạ tầng thì người ta vào sao được?
Trong bối cảnh bây giờ, doanh nghiệp tự đầu tư, đàm phán với dân để thu hồi đất, tự giải phóng mặt bằng để làm hạ tầng là cực khó.
* Nhưng trên thực tế vẫn có câu chuyện bội thực KCN. Nói như thế vì đất của các KCN này để không rất nhiều. Đang có cả một phong trào làm sân golf, cảng biên, KCN ở các địa phương, ông có ý kiến gì về tình trạng này?
Ông Phạm Văn Liêm: Sự thực là nhà đầu tư đến đầu tư mà không thuận lợi thì sẽ bỏ đi nơi khác, nên các địa phương có tâm lý muốn quy hoạch cho đủ. Thế nhưng, xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư không hề đơn giản. Không quy hoạch sao có thể kêu gọi được? Nên lòng vòng ở chỗ đó. Chính phủ quy định, các dự án đầu tư phải lấp đầy 60% mới triển khai.
* Hình như chúng ta đang thiếu một quy hoạch tổng thể về KCN, vì Thái Bình cũng làm KCN, Đồng bằng sông Cửu Long cũng làm khu công nghiệp?
Ông Phạm Văn Liêm: Bây giờ, quan điểm này cũng rất khác nhau, nếu quá tập trung công nghiệp một nơi, thì vấn đề xã hội, môi trường sẽ quá tải… Chúng ta đang tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa, nên công nghiệp nào phải đặt ở vùng nguyên liệu cho hiệu quả. Ví dụ, Đồng bằng Sông Cửu Long có lợi thế nuôi trồng thuỷ sản, nếu không đặt nhà máy chế biến ở đó thì làm sao có hiệu quả được, vì chi phái vận chuyển sẽ cao.
Ví dụ nữa là ngành dệt may chẳng hạn, nếu ở Đồng bằng sông Hồng mà tập trung một chỗ sẽ không ai làm. Phải đưa công nghiệp may về nông thôn mới có lao động, người lao động mới yên tâm làm việc, không phải lo chỗ ăn ở, vì thu nhập ngành may thường thấp…
Về quy hoạch tổng thể, Chính phủ có phê duyệt tổng thể rồi, nhưng địa phương vẫn cứ muốn thêm, việc này phải điều tiết.
* Như vậy, xét cho đến cũng lỗi thuộc về ai, thưa ông?
Ông Phạm Văn Liêm: Lỗi là lỗi hệ thống. Giải quyết công việc theo kiểu tình cảm, mối quan hệ, không theo luật pháp. Các nước điều hành theo luật thì rất đơn giản, nhưng ở Việt Nam thì đôi khi có luật lại không theo, hành động theo mối quan hệ nên quy hoạch méo mó. Chứ khi quy hoạch đã tính toán khoa học nhưng thực tế thực hiện cứ phá vỡ hết cả. Thực tế giữa khoa học lý thuyết của quy hoạch và thực hiện quy hoạch thực tế khác xa nhau.
* Vâng, quy hoạch thép, quy hoạch sân golf, ô tô… và nay là KCN để lại bài học gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Liêm: Nếu tất cả các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh quy hoạch thì cũng không đến nỗi như thế. Chứ bây giờ, các địa phương xin được cứ xin, chưa kêu gọi được, cứ xin cứ làm, để có hỗ trợ từ ngân sách. Tỉnh làm có bỏ tiền đâu mà xót (!), không kêu gọi đầu tư được thì cứ để đấy. Vấn đề ở chỗ đó.
Thứ hai nữa, ở Việt Nam ta có hệ thống nhiệm kỳ lãnh đạo, hết nhiệm kỳ là thôi. Nên lãnh đạo xin được cái gì thì cứ xin, không cần tính xa. Cuối cùng chỉ khổ mỗi nông dân mất đất. Thực tế nếu thu hồi của dân rồi để hoang thì có tội thật. Có khu công nghiệp có thể thu hút một số người lao động, không vào được thì cũng làm dịch vụ, đất không nằm đấy, dân xung quanh mất đất không còn việc làm.
* Có hay không câu chuyện nhà đầu tư “xí phần” đất ở KCN để kiếm lời, thưa ông?
Ông Phạm Văn Liêm: Nếu xin đất chỉ để làm KCN thì không có chuyện xí phần. Chuyện xí phần chỉ diễn ra ở vài nơi khan hiếm đất. Nếu kiên quyết không chuyển đổi mục đích thì không có tình trạng xí phần. Chuyện xí phần chỉ xảy ra khi nhà đầu tư lấy đất KCN sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng.
* Xin cảm ơn ông!.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV News
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: