Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trả lời phỏng vấn và trục Hồ Tây - Ba Vì. |
Bên lề buổi công bố Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 chiều 29/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã phác họa một số nét cơ bản về cục diện giao thông Hà Nội. Ở góc độ của ngành, ông dành nhiều đánh giá tích cực cho chất lượng của đồ án quy hoạch.
Đồng bộ và hiện đại
* Thưa Bộ trưởng, với quy hoạch này thì hình dung về giao thông ở Thủ đô nói riêng trong vài năm tới sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: Thứ nhất, với quy hoạch này chúng ta hình dung sẽ có một vành đai khép kín với vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 và 4 - kết nối hệ thống đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh của cả Hà Nội vào với nhau, cũng như cả liên kết vùng.
Thứ hai là chúng ta có một cái trục hướng tâm dựa trên các quốc lộ hiện có, được mở rộng, nâng cấp. Và thứ ba, chúng ta có một hệ thống đường cao tốc kết nối giữa thủ đô Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa. Đó sẽ là những trục cao tốc kết nối trung tâm thủ đô với các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Ngoài ra chúng ta còn hình dung bức tranh giao thông đô thị bao gồm cả các loại hình giao thông như: đường sắt vành đai, tàu điện ngầm, đường trên cao và một hệ thống cầu. Trong đó phải kể đến những chiếc cầu như đang được khởi công xây dựng mà cũng nằm trong quy hoạch này như cầu Nhật Tân - hai năm nữa sẽ xong.
Tuần tới, chúng ta sẽ khởi công đường cao tốc nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài. Sân bay cũng sẽ được quy hoạch theo hướng các nhà ga mới với quy mô 50 triệu hành khách. Như vậy chúng ta hình dung cầu Nhật Tân sẽ kết nối giữa trung tâm thủ đô với đường cao tốc và với sân bay Nội Bài.
Có thể nói, với bản quy hoạch này, chúng ta đã hình dung được hệ thống giao thông tại Hà Nội trong 10 năm tới sẽ có tính chất đồng bộ, có tính liên kết và rất hiện đại.
* Như vậy, xin ông cho biết đâu là điểm sáng nhất, tiến bộ nhất của giao thông Thủ đô được thể hiện trong quy hoạch lần này?
Rõ ràng ngoài chuyện nâng cấp, đưa cái kết cấu hạ tầng hiện có vào phần kỹ thuật của nó thì cái mới ở đây là quy hoạch đã tập trung vào hệ thống đường cao tốc; vào các hệ thống đường vành đai; hệ thống giao thông bánh sắt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và 1 số cái cầu quan trọng lấy sông Hồng là trung tâm của Thủ Đô để kết nối hai bên bờ với nhau.
Phát triển giao thông xanh, sinh thái
* Đồ án quy hoạch cũng đề cập đến Trục Hồ Tây - Ba Vì. Trục này có điểm đầu là đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối là quốc lộ 21. Vậy quan điểm của ông như thế nào?
Chúng tôi đã nói rất nhiều lần là chúng tôi rất tán thành việc có cái trục như vậy. Bởi lẽ đây sẽ là một cái trục mới, định hướng phát triển không gian của đô thị, kết nối khu vực đô thị cũ với một đô thị mới. Trong đó nó thể hiện một đô thị, một trục giao thông gắn với môi trường, sinh thái.
Trục này được thảo luận nhiều lần và tôi cho rằng, đưa vào trong quy hoạch như vậy là xác đáng.
* Như vậy, yếu tố xanh trong giao thông được nhấn mạnh trong quy hoạch lần này, thưa ông?
Phát triển giao thông bền vững, giao thông với môi trường, giao thông xanh - đó là những khái niệm được đề cập rất nhiều và đặc biệt được nhấn mạnh trong lần quy hoạch này.
Đơn cử, trục Hà Nội - Ba Vì không những có tính chất là đường giao thông vận tải đơn thuần mà nó còn là cái trục giao thông gắn với môi trường và sinh thái.
* Theo ông, việc tháo gỡ vấn nạn ùn tắc và bài toán cơ cấu giao thông tĩnh được giải quyết thế nào?
Nếu chỉ dựa vào kết cấu hạ tầng thì một mình quy hoạch thì chưa thể giải quyết được chuyện ùn tắc, mà chúng ta phải nhìn vào sự gia tăng của dân số đô thị, gia tăng phương tiện cá nhân và các dịch vụ trong nội đô, từ đó kết hợp giải quyết đồng bộ.
Về vấn đề giao thông tĩnh thì trong quy hoạch chung đã chỉ rõ, quỹ đất dành cho giao thông chiếm khoảng độ 20%, trong đó, 6% phải dành cho giao thông tĩnh gồm các bãi đỗ xe, bến xe.
Tránh vết xe đổ: Phá vỡ quy hoạch
* Lên được quy hoạch đã khó nhưng với một đồ án đồ sộ thế này thì Bộ trưởng có quan ngại gì về cái công tác hiện thực hóa quy hoạch hay không?
Đúng là có quy hoạch rồi nhưng vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch như thế nào, đó mới là chuyện rất lớn.
Nó đòi hỏi phải có một kỷ luật, kỷ cương, quy chế làm việc. Chúng ta phải thay đổi cái này theo chiều hướng siết chặt kỷ cương và quản lý nghiêm túc quy hoạch thì mới thực hiện được.
Đúng là nếu lặp lại các vết xe đổ của một số việc chúng ta không tuân thủ quy hoạch như trước đây, thì sẽ dẫn tới việc thực hiện không thành công.
* Là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực giao thông, cơ chế mới nhằm thực hiện tốt quy hoạch này, ông có góp ý gì?
Về quản lý nhà nước thì Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rất rõ, ở đây là Bộ Xây dựng phải chủ trì tổng thể chung. UBND TP Hà Nội phải chủ đầu tư để thực hiện. Các bộ trong đó gồm Bộ Giao thông Vận tải phối hợp xây dựng quy hoạch chi tiết.
Phải có quy hoạch chi tiết hơn nữa của hệ thống giao thông nội thị. Do đó, Bộ sẽ phối hợp với UBND TP thực hiện các cơ chế để có thể thực hiện được quy hoạch này.
* Để phát triển được hạ tầng giao thông như thể hiện trong quy hoạch chung thì bài toán về vốn sẽ được giải thế nào, thưa ông?
Ngân sách nhà nước là một phần rất quan trọng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng. Ngoài ra, chúng ta còn phát hành vốn trái phiếu chính phủ, vốn tài trợ ODA...
Tuy nhiên giai đoạn tới thì việc xã hội hóa và huy động các nguồn vốn khác từ các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng - lấy giá trị của đất để phục vụ cho sự phát triển hạ tầng thì chúng ta mới có đủ nguồn lực thực hiện.
Box: Vừa rồi một số nhà nghiên cứu cho rằng, để xây đường trên cao thì Hà Nội phải phá một số cầu vượt. Đấy là ý kiến trao đổi về mặt kỹ thuật mà tôi cho rằng không có câu chuyện đó. Chúng ta có những giải pháp để thực hiện việc này một cách đồng bộ.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: