Top

Thợ xây gặp hạn

Cập nhật 17/10/2011 15:40

Quý 4 hàng năm thường là thời điểm “vàng” của các nhà thầu xây dựng. Thế nhưng, khác hẳn với những năm trước đây, hiện tại từ chủ đầu tư, nhà thầu lẫn đại lý cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) đều ngồi nhìn thị trường bất động sản như rơi vào cảnh chợ chiều.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Công ty TNHH XD TM Hoàng Sơn, chuyên xây dựng các công trình nhà dân dụng, quận Bình Tân cho biết, từ đầu năm đến nay công ty chỉ ký hợp đồng xây dựng vỏn vẹn 2 căn nhà, trong khi đó năm ngoái bình quân mỗi tháng xây 1 căn. Chính vì vậy, từ một công ty trước đây có 4 đội thi công với quân số trên dưới 100 người, nay chỉ còn giữ lại một nhóm “ruột” khoảng chục người, nhưng cũng lúc làm lúc nghỉ do không có công trình mới.

Theo ông Long, từ đầu năm đến nay VLXD biến động bình quân ở mức 15%-20%, do đó không phải là nguyên nhân khiến việc xây dựng công trình bị ngưng trệ. Mấu chốt của vấn đề là vốn. Bởi đa số chủ công trình, ngoài số tiền sẵn có, khi xây dựng thường vay thêm 20%-40%.

Công nhân xây dựng một công trình nhà ở trên đường Hậu Giang, quận 6, TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm

Tuy nhiên, do năm nay các ngân hàng siết chặt, không cho vay đầu tư vào lĩnh vực xây dựng đã tác động khá lớn. Mặt khác, sau khi các ngân hàng siết chặt cho vay bất động sản, thị trường bị đóng băng, do đó tâm lý người dân có nhu cầu xây nhà trước đó nay ngưng lại nghe ngóng, chờ giá nhà xuống thấp để mua đầu tư. Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty CP XD Phúc Nguyên, quận 12, cho biết các năm trước công ty ký hợp đồng từ 12-15 công trình nhà dân dụng nhưng năm nay chỉ còn 2 công trình.

Do thời điểm trước làm ăn được nên công ty đầu tư thêm phương tiện như xe ben, cuốc và hệ thống máy ép cộc nhồi… trong đó, số tiền vay ngân hàng hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, vì không có công trình, trong khi mỗi tháng phải trả lãi lẫn tiền nhân công hàng trăm triệu đồng nên công ty đang rơi vào tình cảnh thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản. Để “chữa cháy”, công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc bớt, chỉ giữ lại vài người để hoàn tất 2 công trình đang thi công. Mặt khác, công ty cũng đang rao bán các phương tiện thi công đã sắm để giải quyết bớt nợ và có tiền trả lương cho thợ.

Không chỉ dự án nhà ở thương mại khốn đốn, các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội cũng kẹt tiến độ vì thiếu vốn. Ông Lâm Văn Sỹ, giám đốc một nhà thầu phụ đang thi công một ký túc xá trong Làng đại học Thủ Đức cho biết, công ty nhận toàn bộ gói thầu thi công trị giá 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình ký túc xá đã xây xong phần thô nhưng chủ đầu tư chỉ rót tiền nhỏ giọt, một tháng vài chục triệu đồng khiến công ty rơi vào cảnh lao đao. Để tiếp tục theo đuổi công trình, ông đã chạy vạy vay 2 tỷ đồng để trả tiền cho công nhân. Số tiền ông vay ngoài mỗi tháng công ty đóng lãi 2% và đến tháng 11 phải tất toán. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu chính thông báo rằng chủ đầu tư vẫn chưa có tiền, do ngân sách chưa về kịp.

Các công ty xây dựng cho biết, so với thời điểm trước, năm nay số công trình xây dựng giảm khoảng trên dưới 50%. Điều này kéo theo không chỉ các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn mà các nhà sản xuất VLXD cũng hệ lụy. Trong đó, chỉ riêng ngành sắt thép và xi măng sản xuất hàng ra nhưng khó tiêu thụ, tồn động hàng trăm ngàn tấn, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Hiện tại, cả ngành thép và xi măng đang hướng đến việc xuất khẩu để giải quyết hàng tồn kho. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng không mấy thuận lợi bởi sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty nước ngoài về chất lượng cũng như giá cả.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng