Top

Biệt thự vẫn bỏ hoang do xử lý còn “nương tay”?!

Cập nhật 17/10/2011 09:15

Mặc dù Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo về việc biệt thự “hoang” cũng như UBND TP Hà Nội đã có yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc khách hàng phải hoàn thiện biệt thự xây thô trong quý 2, nhưng đến nay đã sang tới quý 4 mà vẫn còn nhiều biệt thự để hoang.

Vẫn còn nhiều biệt thự chưa hoàn thiện


Khảo sát của PV tại một số khu vực như: khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp, khu Đại Từ - Đại Kim (Hoàng Mai), cụm chung cư An Sinh (Mỹ Đình II, Từ Liêm)… một số biệt thự “hoang” trước đây đã và đang được chủ nhân của nó hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều biệt thự vẫn hoang phế, gạch vữa khô cứng, rêu bám xanh đen…

Biệt thự hoang ở Đại Kim, Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Lê

Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy, trong 16 dự án được Cục tiến hành kiểm tra trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.684 căn biệt thự. Trong đó, có 1.743 căn đã đưa vào sử dụng (chiếm khoảng 65%), còn lại khoảng 700 căn (chiếm tỷ lệ gần 35%) chưa đưa vào sử dụng.

Xuất hiện tình trạng này, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, thực tế một số chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình triển khai dự án, chưa đảm bảo đúng tiến độ, chưa đôn đốc, phối hợp với khách hàng để tập trung hoàn thiện nhà đưa vào sử dụng theo đúng hợp đồng. Ngoài ra, tại một số dự án, các chủ đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong khâu GPMB cũng như nguồn vốn nên việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án nhà ở còn chậm, chưa đồng bộ do vậy, một số người dân mua nhà nhưng chưa thể về ở được.

Bên cạnh đó, theo ông Thiện thời kỳ này cũng chưa có các quy định bắt buộc phải xây dựng hoàn chỉnh nhà biệt thự và liền kề trước khi bàn giao cho khách hàng. Do đó, các hợp đồng giữa chủ đầu tư với khách hàng chưa có ràng buộc chặt chẽ, dứt khoát về thời gian phải hoàn thiện, sau khi nhận bàn giao nhà xây thô. Đây là tồn tại cần phải kiên quyết khắc phục.

Chế tài đã có nhưng phải chờ!


Theo ông Thiện, chế tài xử lý biệt thự để hoang đã có, đó là Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng đến ngày 1.1.2012 Luật thuế này mới chính thức có hiệu lực. Trong đó có nội dung đánh thuế lũy tiến về đất ở sẽ có tác động rất lớn đến việc xử lý nhà ở chưa đưa vào sử dụng, góp phần khắc phục tình trạng nhà ở bỏ trống.


Biệt thự "hoang" nằm xen kẽ biệt thự đã hoàn thiện như bức tranh vẽ dở. Ảnh: Nguyễn Lê

Muốn khắc phục được hiện tượng nhà không được đưa vào sử dụng, ông Thiện cho rằng, cần sớm xây dựng quy định hợp lý về thuế BĐS để hạn chế đầu cơ nhà đất.

Đồng thời, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép đầu tư dự án, cơ quan thẩm định phê duyệt dự án, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và người dân. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương phải tăng cường kiểm tra các dự án phát triển nhà, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng với hệ thống hạ tầng khu vực đô thị…

Tình trạng nhà và đất bỏ trống là lãng phí tài nguyên đất và tài sản chung của xã hội, của nhân dân. Bộ Xây dựng cũng đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ những giải pháp khi xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở mới như: Yêu cầu các địa phương kiên quyết không cho phép các chủ đầu tư chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng, xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng…

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động