Khi cơn khủng hoảng tài chính có hình hài rõ ràng thì liệu những quảng cáo ì xèo của một số dự án nhà đất gần đây có phải là hiện tượng thị trường nhà đất sôi động trở lại, hay chỉ là động thái “đánh bóng, đánh gió”?
Tăng giá ảo
Thông tin đầu tiên các đơn vị môi giới cung cấp là số lượt người tìm hiểu nhiều hơn là số giao dịch thực hiện được. Chẳng hạn, theo thống kê của sàn giao dịch địa ốc ACB, ngày nào cũng đông đúc người xem, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày có khoảng 130 người đến. Còn giao dịch thành, tất nhiên không nổi trội hơn trước Tết Nguyên đán với độ chục căn nhà, giá từ 1,5 tỷ đồng đến 3,5 tỷ đồng/căn.
Sau tết, thị trường nhà đất khá sốc với giá tăng cực nóng của dự án Trung Sơn, Nam Sài Gòn. Chị Bích Trâm, một người khá sành sỏi trong “đầu cơ” địa ốc cho biết, giá trị mỗi căn nhà tại đây đã tăng lên khoảng 1 tỷ đồng sau khi cầu Nguyễn Văn Cừ nối sang quận 4 đã thông xe và hoàn tất vào cuối năm nay, nối sang Nam Sài Gòn, đi qua khu dân cư này.
Giá tăng vọt đi kèm với hiện tượng “bẻ kèo”, “hai bên đã thoả thuận xong giá cả, đem đủ tiền mặt chồng ngay tại chỗ thì chủ nhà lại đổi ý không bán, đòi giá cao hơn nữa”, chị Bích Trâm kể. Chính vì thế, mặc dù nói là giá tăng mạnh nhưng thực chất giao dịch thành rất ít.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra tại dự án Him Lam Kênh Tẻ, quận 7. Theo giám đốc một công ty môi giới địa ốc, mấy ngày qua giá đất tại đây bị hét chóng mặt, có lúc lên đến 34 triệu đồng/m² loại nền biệt thự, tăng rất nhanh so với giá trước tết là 27 triệu đồng/m². Thế nhưng, tại trụ sở của công ty lại vắng hoe, chứng tỏ rất ít hoặc không có người làm thủ tục chuyển nhượng cho các hợp đồng giao dịch, như vậy việc tăng giá chỉ là giá ảo!
Cẩn trọng
Đầu tiên là nguồn vốn cho thị trường. Theo ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty 5 Ngôi Sao Việt, nhận định, lượng giao dịch trong thời gian qua bình thường, khó bùng lên thành cơn sốt. Qua khảo sát, thông tin cho thấy, các nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn còn đứng ngoài cuộc vì “ngấm đòn” khá nặng do cơn sốt nhà đất năm 2007. Còn nhà đầu tư hiện nay chủ yếu là các nhà đầu tư mới, a-ma-tơ, lâu nay kiếm lãi suất trong ngân hàng, nay lợi nhuận không còn nữa nên chuyển kênh đầu tư, do đó nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ không nhiều.
Một nguồn vốn hỗ trợ khác là các ngân hàng sẽ tiếp tục tham gia vào địa ốc như trường hợp một dự án tại quận 2 có ba ngân hàng cho vay đến 70% và không cần chứng minh thu nhập, vì chủ đầu tư đã bảo lãnh. Việc ngân hàng tham gia địa ốc là cần thiết, bởi thị trường địa ốc thông sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, việc còn lại là quản lý rủi ro tín dụng thế nào cho an toàn. Nhưng một luồng ý kiến khác cho rằng, nguồn tiền chui vào địa ốc quá nhiều sẽ không kích thích sản xuất hàng hóa, lưu chuyển đồng tiền chậm, dẫn đến trì trệ thêm cho nền kinh tế…
Vấn đề khác là thủ tục pháp lý. Một chuyên gia địa ốc cho biết, có hiện tượng một số chủ đầu tư đã rao bán và thu tiền khi dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý. Đặc biệt những ngày qua thông tin Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Viên Nam (Vinaland) đưa ra “chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở” đã thu hút sự chú ý của dư luận, bởi có phải là hình thức huy động vốn trái luật. Theo đó, công ty này phát hành chứng chỉ quỹ, người mua sẽ nộp tiền hàng tháng cho đến năm 2014, sau đó chuyển thành tiền mua nhà khi dự án hoàn thành phần móng.
Tính đến ngày 19-1-2009, công ty này đã phát hành xong đợt 1 toàn bộ 100 quyền mua, đối tượng là cán bộ công nhân viên của công ty, một số đối tác, cơ quan bạn… Ràng buộc của công ty này đưa ra là, nếu sau thời hạn trên mà vẫn chưa xây nhà thì công ty trả lại toàn bộ tiền gốc và lãi suất bằng 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành… Nhưng nhiều nghi vấn đặt ra qua chủ trương này. Thứ nhất là tính pháp lý dự án mù mờ.
Thông tin do công ty này cung cấp, UBND quận 7 chỉ mới chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án thuộc phường Phú Mỹ làm trung tâm thương mại - dịch vụ - căn hộ cao cấp, hiện trạng đền bù dang dở, chỉ mới 80%, vì thế sẽ không được cơ quan chức năng cấp quyết định giao đất chính thức. Thứ hai, công tác đền bù là then chốt của dự án nhà ở, doanh nghiệp phải thỏa thuận với chủ đất, hiện nay tại thành phố có hàng ngàn dự án nằm bất động vì đền bù không xong, vì thế khó mà biết chính xác đến khi nào dự án sẽ hoàn tất.
Thứ ba, chẳng may nếu công ty rơi vào tình trạng phá sản thì ai sẽ bảo vệ những người mua quỹ này? Mặc dù công ty có đưa ra hình thức bảo vệ người mua, nhưng bài học từ Công ty cổ phần Vạn Thịnh Hưng vẫn còn nóng hổi: hàng trăm khách hàng nộp hàng trăm tỷ đồng, đến khi phát hiện công ty làm trái luật, báo chí nhắc đến ê mặt nhưng đến nay vẫn chưa đòi được tiền.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: