Top

Thị trường căn hộ: Băn khoăn từ những con số thống kê

Cập nhật 15/07/2015 11:19

Sẽ không có những băn khoăn nếu như quý II vừa rồi, các số liệu thống kê về thị trường căn hộ không có vài sự chệch choạc.


Cuối tháng 6, khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, trong quý II, thị trường căn hộ tại TP.HCM đã xác lập kỷ lục với 19 dự án được chào bán ra thị trường và hơn 10.000 căn hộ đã được bán.

Tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường TP.HCM đạt 57%, tăng 19% so với quý I/2015 và tăng 126% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là lượng giao dịch đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử thị trường nhà ở tại TP.HCM xét theo quý.

Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 7, Savills Việt Nam công bố báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM trong quý II.

Theo đó, nguồn cung căn hộ ở thị trường sơ cấp là 9.700 căn, được xác lập từ 19 dự án và tỷ lệ hấp thụ đạt 19%, giảm 2 điểm phần trăm theo quý nhưng lại tăng 2 điểm phần trăm theo năm.

Cũng trong quý II/2015, có khoảng 5.000 căn hộ được hấp thụ, tăng 17% theo quý và 96% theo năm. Đây là lượng giao dịch cao nhất kể từ quý IV/2010.

Trong khi đó, tuần thứ 3 của tháng 6, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đưa ra dự báo, thị trường BĐS những tháng đầu năm 2015 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM có khoảng 7.050 trên tổng số 14.000 giao dịch thành công của hai thị trường. Như vậy, bình quân, mỗi quý sẽ có trên 2.000 giao dịch thành công.

Thị trường BĐS ở Việt Nam luôn có những "ồn ào" mang tính "đặc thù”, dù ở giai đoạn thịnh hay suy.

Ngay như thời điểm đóng băng, những con số thống kê quanh câu chuyện hàng tồn kho căn hộ lại chính là đề tài nóng.

Nó cũng giống như trường hợp của ngành thống kê và hải quan khi công bố những số liệu về xuất nhập khẩu.

Mỗi bên đều có lý lẽ riêng khi đưa ra con số nhưng điều quan trọng là những ảnh hưởng đằng sau con số đó và đâu mới là con số thực. Bài học của giai đoạn phát triển nóng 2006 - 2007 vẫn còn nhãn tiền.

Những nhận định "vô thưởng vô phạt" từ các chuyên gia, các đơn vị tư vấn, đại loại như nguồn cung căn hộ đang khan hiếm, tình trạng hấp thụ BĐS nhà ở đang diễn ra mạnh mẽ, thị trường thực sự lạc quan... đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người mua.

Vì sao? Từ trước tới nay, dù đã được đề cập nhiều nhưng các địa phương hiện vẫn chưa có kênh thông tin chính thống nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật thường xuyên và đầy đủ về tình hình giao dịch, số lượng dự án được cấp phép, đang, sắp triển khai và thông tin cụ thể về chủ đầu tư dự án BĐS để người mua tham khảo, đánh giá về tình hình thị trường, năng lực của doanh nghiệp, nhằm phòng ngừa được những rủi ro.

Ông Steven Chu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long, chia sẻ, ở những quốc gia phát triển, họ có hẳn hệ thống dữ liệu về thị trường.

Theo đó, những dự án công bố ra thị trường, số lượng căn hộ trong từng dự án, từng giao dịch... đều phải được chủ đầu tư báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý.

Hệ thống dữ liệu này được công khai, mọi đối tượng tham gia thị trường đều có thể tiếp cận. Những doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về báo cáo thông tin sẽ có chế tài xử lý.

Điều này phần nào đó giúp thị trường minh bạch và ngăn chặn được tình trạng mất kiểm soát.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG