Quý 3/2020 thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, dự án cũ thì triển khai ì ạch, không nhiều dự án mới được cấp phép. Hệ lụy là hàng loạt ‘ông lớn’ ngành xây dựng rơi vào trạng thái ‘thất nghiệp’.
Dự án sụt giảm
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, thị trường BĐS bị tác động nặng nề, rơi vào tình trạng trầm lắng, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường trong 03 năm gần đây. Hệ lụy dẫn đến sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng đã tổng hợp về thị trường bất động sản quý III để báo cáo thủ Tướng Chính phủ, trên cả nước có 295 dự án với 125.449 căn hộ được cấp phép; 1.272 dự án với 243.265 căn hộ đang triển khai xây dựng; 118 dự án với 25.911 căn hộ hoàn thành. Số lượng dự án nhà ở được cấp phép (giảm khoảng 9,3%) so với Quý II/2020.
Trong đó, ở miền Bắc có khoảng 109 dự án (54.782 căn hộ) được cấp phép, 218 dự án đang triển khai (55.650 căn hộ). Số lượng dự án được cấp và hoàn thành tương đương quý 2, tuy nhiên, lượng dự án đang triển khai giảm mạnh khoảng 43,7% so với quý trước đó. Ở miền Trung, số lượng dự án được cấp phép là 140 dự án và 400 dự án đang triển khai xây dựng (gần 118 nghìn căn). Khu vực này có số lượng dự án nhà ở tăng mạnh trong quý. Còn tại miền Nam, số lượng dự án được cấp phép giảm mạnh chỉ với 46 dự án (12.314 căn) giảm khoảng 25,4%.
Với nhà xã hội gần như vắng bóng dự án trên thị trường, số lượng rất ít, không có dự án mới được khởi công.
Đối với phân khúc du lịch nghỉ dưỡng: trên cả nước có 49 dự án với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 94 dự án với 18.812 căn hộ du lịch và 6.089 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 23 dự án với 68 căn hộ du lịch, 375 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành. Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với Quý II/2020.
Theo đó tại miền Bắc có 05 dự án với 332 căn hộ du lịch, 21 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 03 dự án với 160 căn hộ du lịch và 24 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; trong Quý này hiện chưa có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được hoàn thành, tuy nhiên theo thống kê tại miền Bắc trong Quý này có 06 căn hộ du lịch hoàn thành.
Nhìn chung, trong Quý III/2020, tại miền Bắc, số lượng các dự án du lịch nghỉ dưỡng giảm nhẹ so với Quý trước, số lượng dự án được cấp phép giảm 01 dự án, số lượng dự án đang triển khai giảm 06 dự án, số lượng dự án hoàn thành giảm 01 dự án.
Tại miền Trung có 44 dự án với 3.440 căn hộ du lịch, 3.484 biệt thự du lịch được cấp phép; 91 dự án với 18.652 căn hộ du lịch và 6.065 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 23 dự án với 62 căn hộ du lịch, 375 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú được hoàn thành. Trong Quý III/2020, tại miền Trung, số lượng các dự án du lịch nghỉ dưỡng tăng hơn so với Quý trước, số lượng dự án được cấp phép tăng mạnh (tăng thêm 37 dự án, gấp khoảng hơn 6 lần), số lượng dự án đang triển khai tăng 9 dự án, số lượng dự án hoàn thành tăng 12 dự án (gấp 2 lần).
Tại miền Nam, trong Quý III, theo tổng hợp từ các địa phương, không có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp phép, đang triển khai hay được hoàn thành. Đối chiếu với Quý II/2020 ở miền Nam, có 78 dự án được cấp phép và chỉ tập chung tại Kiên Giang.
Coteccons, Hòa Bình, Vinaconex… ‘lao đao’ vì thiếu việc làm
Số lượng dự án mới được cấp phép hạn chế, trong khi nhiều dự án cũ thì triển khai ‘cầm chừng’ dẫn đến tình trạng các ‘ông lớn’ ngành xây dựng gặp khó trong việc tìm kiếm việc làm.
Chẳng hạn như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC), từ tháng 9 đến nay công ty mới thông báo trúng ba gói thầu: Khách sạn Sea Stars Hạ Long, Sungrand City (Hạ Long) và Lotte Mall (Hà Nội). Dự án gần nhất được Hòa Bình khởi công là Khách sạn Sea Stars Hạ Long vào ngày 20/9. Trước đó vào 18/8, Hoà Bình cùng với Coteccons và Central đồng thời khởi công phân khu The Origami thuộc dự án Vinhomes Grand Park. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn này cũng không mấy khả quan. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HBC đạt 8.046 tỷ doanh thu và 63 tỷ LNST, lần lượt giảm 41% và 74% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Tình hình làm ăn trong quý III của CTCP Xây dựng Coteccons gần như ‘đóng băng’ do ảnh hưởng nặng nề từ Covid – 19. Cùng với đó là những xung đột nhân sự nội bộ dẫn đến việc ‘thay máu’ trong bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp này. Từ đó kinh doanh liên tục giảm sút. Chiếc ghế ‘số 1’ ngành xây dựng cũng đang bị ‘lung lay’ dữ dội. BCTC hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu giảm mạnh, từ mức 6.225 tỷ về 2.807 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tương ứng giảm 34% so với cùng kỳ.
Một doanh xây dựng lớn khác là CTCP Fecon, 6 tháng đầu năm trúng thầu khá nhiều dự án như Lotte Mart (TP Vinh), Đại Phước Lotus (Đồng Nai), Lotte Mall, Mỹ Đình Pearl (Hà Nội), Park City, GS Metro City Nhà Bé (TP HCM),... Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, Fecon chỉ trúng thầu dự án Mỹ Đình Pearl - giai đoạn 2 (Hà Nội). Dự án này được được khởi công vào ngày 15/10 vừa qua.
CTCP Xây dựng Central thậm chí không công bố trúng thầu dự án BĐS nào trong kể từ giữa tháng 8. Trước đó, Central công bố tham gia khởi công một số dự án như Thảo Điền Towers, Phân khu The Origami (TP HCM), Phúc Đạt Tower (Bình Dương), Angel Island Experience Gallery tại đảo Nhơn Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Nhóm doanh nghiệp xây dựng phía Bắc cũng không tránh khỏi tình trạng nói trên. Một số đơn vị như Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã VCG), CTCP Ecoba Việt Nam hay Công Ty TNHH Tập Đoàn Xây Dựng Delta đều không trúng thầu dự án BĐS nào trong 2 - 3 tháng qua.
Dấu hỏi về sự hồi phục của thị trường BĐS?
Quý 3 là quý đầy khó khăn, song nhiều chuyên gia nhận định thị trường BĐS sẽ có cơ hội ấm dần từ cuối năm, đặc biệt là dòng tiền của các nhà đầu tư mới sẽ kéo theo khả năng hồi phục cho nhóm ngành xây dựng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quí 3 lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đã có cải thiện tích cực so với hai quí đầu năm. Tổng vốn FDI đăng kí vào lĩnh vực bất động sản đã tăng dần từ mức 0,264 tỉ USD trong quí I lên 0,586 tỉ USD vào quí 2 và bứt phá lên con số 2,35 tỉ USD ở quí 3. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quí 3 lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đã có cải thiện tích cực so với hai quí đầu năm. Tổng vốn FDI đăng kí vào lĩnh vực bất động sản đã tăng dần từ mức 0,264 tỉ USD trong quí I lên 0,586 tỉ USD vào quí 2 và bứt phá lên con số 2,35 tỉ USD ở quí 3.
Đây chính là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã và đang ban hành nhiều chính sách để giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: