Top

923 doanh nghiệp bất động sản giải thể vì đại dịch COVID-19

Cập nhật 19/11/2020 10:10

Theo HoREA, 08 tháng đầu năm 2020 cả nước đã có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác, có tác động tiêu cực đến 35 ngành nghề có liên quan đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động.



Tình hình thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2020

Theo nhận định của HoREA, nguồn cung dự án nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh bị sụt giảm mạnh trong 07 tháng đầu năm 2020, nhưng đã có dấu hiệu cải thiện từ tháng 08/2020 đến nay. Từ tháng 08/2020 đến nay, nguồn cung dự án nhà ở đã có dấu hiệu cải thiện, bổ sung thêm nguồn cung sản phẩm nhà ở trong quý 4/2020 và năm 2021.

Trong 09 tháng đầu năm 2020, đối với các dự án nhà ở quy mô nhỏ có 100% đất ở hợp pháp, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 11 dự án, tăng 10 dự án, gấp 11 lần; Công nhận chủ đầu tư dự án 09 dự án, tăng 9 dự án, gấp 4,5 lần; Chấp thuận đầu tư dự án 24 dự án, tăng 12 dự án, gấp đôi, so với cùng kỳ 2019.

Nhưng, theo Báo cáo tổng hợp số 8128/BC-SKHĐT ngày 26/10/2020 của Sở Kế hoạch Đầu tư “Báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 10 và 10 tháng năm 2020”, thì không thấy có dự án nhà ở nào được nhận “Quyết định chủ trương đầu tư” đối với các dự án sử dụng quỹ đất hỗn hợp và thường là dự án lớn, có dấu hiệu “ách tắc” tại khâu lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” và trong Báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư cũng không có phần đánh giá về thị trường bất động sản.

Trong khi đó, nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường tiếp tục bị sụt giảm trong 09 tháng, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi kể từ tháng 08/2020 đến nay.

Cụ thể, trong 09 tháng đầu năm 2020, chỉ có 20 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn giảm mạnh, giảm đến 37,5% so với 09 tháng đầu năm 2019, với 6.722 căn, giảm đến 65,8% so với 09 tháng đầu năm 2019, trong đó chỉ có 163 căn hộ bình dân, chiếm tỷ lệ 2,5% rất thấp trong tổng số nhà ở dự án, giảm đến 98,5% so với 09 tháng đầu năm 2019; Chỉ có 1.863 căn hộ trung cấp, chiếm tỷ lệ 25% trong tổng số nhà ở dự án, giảm đến 56,4% so với 09 tháng đầu năm 2019; Có đến 4.876 căn hộ cao cấp, chiếm tỷ lệ 72,5% cao nhất trong tổng số nhà ở thương mại, tăng 24,5% so với 09 tháng đầu năm 2019.

Cơ cấu sản phẩm nhà ở cho thấy rõ nét tình trạng “lệch pha cung-cầu” trên thị trường, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền, nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.

Nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường thành phố được bổ sung, tăng thêm 9.147 căn, gồm 8.317 căn hộ nhà chung cư và 830 căn nhà thấp tầng trong quý 4/2020.

Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo trong 09 tháng đầu năm 2020, đã cấp 8.605 Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho khách hàng của các dự án nhà ở thương mại và còn đang thụ lý hơn 100 dự án nhà ở thương mại.

Nhưng, theo số liệu tổng hợp từ 17 chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, thì đã có đến 30.402 căn hộ thuộc 63 dự án nhà chung cư chưa được cấp sổ hồng, gây bức xúc cho khách hàng (kể cả khách hàng là cá nhân nước ngoài), dẫn đến một số trường hợp khách hàng khiếu kiện tập thể, gây mất trật tự tại một số dự án.

Theo số liệu tổng hợp từ 17 Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn, trong 05 năm (từ 01/07/2015 đến nay), cả nước có 12.335 cá nhân nước ngoài đã mua nhà. Nội suy từ số liệu trên, thì ước tổng số cá nhân nước ngoài đã mua nhà tại nước ta trong 05 năm qua có khoảng từ 14.000-16.000 người, có thể chiếm tỷ lệ khoảng 0,85% tổng số nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại. Trong đó, có 10.020 cá nhân nước ngoài đã mua nhà tại thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 81,2% tổng số cá nhân nước ngoài mua nhà.

Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản, nhà ở vẫn gặp nhiều trở ngại

Trong 09 tháng đầu năm 2020, chỉ có 01 dự án nhà ở được chuyển nhượng, do Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản quy định “bên chuyển nhượng” phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) dự án.

Quy định pháp luật hiện nay chưa coi chuyển nhượng dự án bất động sản, nhà ở là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án thì nộp thuế cho Nhà nước.

Theo phân tích của HoREA, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản quy định điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản, nhà ở chưa phù hợp với thực tiễn vận hành của thị trường bất động sản và khắt khe hơn điều kiện chuyển nhượng dự án của Luật Đầu tư.

Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản bị sụt giảm mạnh:

Trong 09 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực bất động sản thu hút nguồn vốn FDI được 726 triệu USD, nhưng giảm mạnh so với năm 2019 (Năm 2019, lĩnh vực bất động sản thành phố thu hút được 2,06 tỷ USD nguồn vốn FDI).

Dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng có tiềm ẩn rủi ro.

Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động rất nghiêm trọng, nhưng so với các nước, thì nước ta trong 09 tháng đầu năm 2020, GDP vẫn tăng 2,12%; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số CPI chỉ tăng 3,71%; dư nợ tín dụng tăng 6,09% so với cuối năm 2019.

Mặt tích cực là dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn thành phố vẫn tăng 5,9% so với cuối năm 2019 và nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, nên vẫn còn trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

Cần quan tâm đến dư nợ tín dụng tiêu dùng, nhất là đối với một số khoản vay sửa nhà, xây nhà, nhưng chuyển sang kinh doanh bất động sản, chiếm 1,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, cần phải có cơ chế kiểm soát, quản lý phù hợp.

Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản

Đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và cả lĩnh vực bất động sản, làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, vốn đã khó khăn kể từ năm 2018.

Theo HoREA, trong cả nước, 08 tháng đầu năm 2020 đã có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác, có tác động tiêu cực đến 35 ngành nghề có liên quan đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động. Đồng thời, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản phải dừng hoạt động trong thời gian qua.

Trong 05 năm qua, đã có hơn 10.000 cá nhân nước ngoài mua nhà là minh chứng cho sự thành công của chính sách cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp, được mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh và việc thực hiện chính sách này chưa tác động tiêu cực đến người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được nhiều cá nhân nước ngoài lựa chọn mua nhà, chiếm khoảng 81%. Nhưng, cần giải quyết kịp thời việc cấp “sổ hồng” cho cá nhân nước ngoài mua nhà (Được biết, thành phố Hà Nội đã giải quyết suôn sẻ việc cấp “sổ hồng” cho cá nhân nước ngoài mua nhà).

Mặc dù, thành phố Hồ Chí Minh vẫn hội tụ rất nhiều lợi thế để đầu tư kinh doanh bất động sản hiệu quả, nhưng do vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng và môi trường kinh doanh (chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PAPI không nằm trong top 12), nên đã xuất hiện xu thế một số Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn rời Thành phố, chuyển hướng đầu tư về các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, các tỉnh ven biển có tiềm năng phát triển du lịch và vùng thủ đô Hà Nội.

DiaOcOnline.vn – Theo Vnmedia