Top

Thị trường bất động sản: Làm gì để giảm rủi ro ?

Cập nhật 09/12/2007 09:00

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, thị trường bất động sản của ta đang đối mặt với nhiều thách thức.

Đó là thị trường thiếu tính chuyên nghiệp, từ hệ thống chính sách đến chủ thể tham gia thị trường; tính minh bạch của thị trường chưa cao; công tác quy hoạch xây dựng chưa theo kịp tiến trình phát triển của đất nước; hầu hết các dự án bất động sản lớn phải lo thủ tục theo cơ chế xin - cho, giao dịch ngầm, đầu cơ nhà đất kích cầu ảo; chế tài tài chính chưa phù hợp để thúc đẩy thị trường phát triển và cơ sở hạ tầng yếu kém đã làm giảm sức hút và quy mô của dự án.

Những thách thức trên đã khiến cho độ rủi ro của thị trường bất động sản tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, việc xảy ra những “cơn sốt” cục bộ trong thị trường bất động sản ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua khiến cơ quan quản lý có cái nhìn khách quan hơn về sự biến động tự nhiên của thị trường này.

Ngoài nguyên nhân nguồn “cung” khan hiếm, giá vật liệu xây dựng biến động mạnh, các dự án triển khai chậm, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là tình trạng đầu cơ, gom hàng, kích cầu ảo, đẩy giá vượt lên cao so với thực tế.

Vậy, làm gì để tránh rủi ro khi đầu tư vào thị trường bất động sản ?

 TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chi Minh) cho rằng, các nhà đầu tư phải xây dựng kế hoạch đầu tư theo nguyên tắc phân bổ tài chính, giới hạn trong nguồn lực mình định lượng được; phải biết lượng sức khi xác định mục tiêu kinh doanh; nên tham khảo lời khuyên của chuyên gia và phải biết đánh giá môi trường kinh doanh, phân bổ tài sản đầu tư.

 Theo ông Dương, mức sinh lời ở kinh doanh bất động sản rất cao. Trên chu kỳ đầu tư 1  - 5 năm, lợi nhuận trên vốn có thể đạt 100 - 300%. Song, điều đó không dựa trên sự tính toán của nhà đầu tư, mà mang tính nhất thời, tính cơ hội trong kinh doanh.

Đáng lo ngại hơn, hiện nay số lượng nhà đầu tư có nghề chỉ khoảng 50%, còn lại đều trong tình trạng “lơ mơ” về đầu tư bất động sản.

Lưu ý về tính pháp lý trong kinh doanh bất động sản, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần biết hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chưa hoàn thiện cũng là yếu tố mang đến rủi ro khi kinh doanh bất động sản.

Để hình thành thị trường bất động sản lành mạnh, pháp luật về kinh doanh bất động sản cần sớm được đánh giá bằng thực tiễn để nhanh chóng hoàn thiện. Trước mắt, cơ quan quản lý cần bịt các kẽ hở trong pháp luật và văn bản pháp lý đang bị lợi dụng, lách luật đầu cơ trục lợi, gây ảnh hưởng xấu tới thị trường bất động sản.

Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, lệ phí nhà, đất và giao dịch chuyển nhượng nhà đất.

Theo đó, lệ phí giao dịch chuyển nhượng được Bộ đề nghị giảm để hạn chế các giao dịch ngầm, trong khi đó thuế nhà, đất sẽ tính lũy tiến để hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng làm thế nào để xác định chính xác chủ sở hữu, sử dụng là trở ngại khi các chính sách trên được thông qua.

Theo Hà Nội Mới