Top

Thị trường bất động sản: Cần nâng cao tính minh bạch

Cập nhật 22/04/2008 08:00

Tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản (BĐS) hiện khá trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng hiện tượng "đóng băng" có thể sẽ xảy ra.

Một trong những nguyên nhân của việc tăng nóng trên thị trường này trong thời gian qua là tính minh bạch không cao. Theo báo cáo về chỉ số minh bạch thị trường BĐS (RETI) năm 2006 của tập đoàn hàng đầu thế giới về quản lý tiền tệ và dịch vụ BĐS Jones Lang LaSalle đối với 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có điểm số minh bạch thị trường BĐS thấp nhất với 4,69 điểm, rơi vào vùng xám cấp 5, nhóm có độ minh bạch thấp nhất. Cấp 4 có Trung Quốc, Macao và Indonesia. Trong khi đó, Úc, New Zealand, Hồng Kông, Singapore đều nằm trong nhóm cấp 1, nhóm có mức độ minh bạch cao nhất.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Công ty chứng khoán EuroCapital, giá BĐS tại Việt Nam thuộc hàng khá đắt đỏ. Ví dụ theo nghiên cứu mới đây của Công ty bất động sản Knight Frank phối hợp với Ngân hàng Citi Private Bank, giá đất tại London hiện đắt nhất thế giới là 49.200 USD/m2, tiếp đến là Monaco 46.900 USD/m2, New York 34.200 USD/m2.

Ở châu Á, Hồng Kông đứng đầu với giá 26.300 USD/m2, Tokyo (Nhật Bản) là 23.500 USD/m2. Trong khi đó, tại Việt Nam, giá căn hộ chung cư cao cấp tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội dao động từ 2.000 - 2.500 USD/m2. Nếu so sánh, thì giá đất ở Việt Nam tuy thấp hơn khoảng 10 lần so với Tokyo (hoặc Hồng Kông) nhưng thu nhập trên đầu người dân Việt Nam lại thấp hơn 50 - 60 lần so với Nhật Bản. Đây là một bằng chứng về mức độ bong bóng của giá BĐS ở các đô thị Việt Nam.

Giá đất hiện nay vượt quá khả năng chi trả của người dân tại TP.HCM và Hà Nội, ngay cả những người được coi là có thu nhập cao trong xã hội cũng phải tiết kiệm 30 - 40 năm mới có thể mua được một căn hộ chung cư có diện tích khoảng 100m2 với chất lượng trung bình.

Theo nhận định của EuroCapital, "bong bóng BĐS" tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong năm 2007 đã chuyển sang đầu tư vào bất động sản, phân tán hoạt động kinh doanh nòng cốt; các ngân hàng cho vay dựa trên tài sản thế chấp và BĐS với giá đã được nâng cao quá mức thì tồn tại khả năng người đi vay không trả được nợ khi giá BĐS giảm xuống. Hiện tượng đó đã gây chấn động tại Mỹ với những khoản cho vay BĐS dưới chuẩn.

Từ những phân tích trên, EuroCapital cho rằng nên giảm "bong bóng BĐS" một cách từ từ bằng cách nâng cao kiểm soát chất lượng tín dụng ngân hàng cho khu vực này. Kế đến là minh bạch hóa thị trường BĐS cùng với việc cải cách triệt để về quy hoạch vùng và các quy định liên quan đến quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét đánh thuế BĐS để hạn chế tình trạng đầu cơ. Đồng thời thúc đẩy mạnh nguồn cung thông qua các dự án có chất lượng và được kiểm soát chặt chẽ với sự tham gia của các thành phần kinh tế để đảm bảo được nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp.

Theo Thanh Niên