Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp ( đoàn TP Cần Thơ) - Ảnh: TTXVN) |
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngày 19/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng dự án Luật cần hướng đến mục tiêu hài hòa, cân đối giữa lợi ích của Nhà nước (đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai), người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư.
Cụ thể, đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đồng tình với quy định dự thảo Luật về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở 3 cấp gồm: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Quy hoạch cấp huyện được tính chi tiết đến tận cấp xã.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chính quyền cần tiếp thu ý kiến người dân và nhà đầu tư bằng một phương thức phù hợp, có thể là phát phiếu thăm dò, trưng bày công khai dự thảo quy hoạch về quan điểm, mục tiêu, các phương án sử dụng đất trong quy hoạch.
Đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên) đồng tình với quy định hủy bỏ quyết định thu hồi đất để triển khai dự án, công trình sau 3 năm không được thực hiện, song đề nghị nêu rõ thêm trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không hoặc chậm hủy bỏ và công bố thì người sử dụng diện tích đất trên được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình và được pháp luật bảo hộ.
Cũng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích, theo đại biểu Dương Hoàng Hương, ngoài vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thẩm định quy hoạch, dự luật bổ sung thêm vai trò, vị trí và sự tham gia của cơ quan phối hợp liên vùng nhằm khắc phục được tình trạng manh mún, chia cắt quy hoạch, góp phần đảm bảo sự thống nhất quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch cấp quốc gia, tăng cường được tính liên thông, liên kết quy hoạch các địa phương vùng miền, cân đối lợi ích quốc gia.
Quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất (thông qua một tổ chức làm việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức tái định cư đối với các loại dự án an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội…) chứ không phải là trưng mua, trưng thu đất được đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn TP Cần Thơ) và nhiều đại biểu khác ủng hộ.
Đồng tình với quy định Nhà nước khi giao đất, cho thuê đất để phát triển kinh tế, xã hội thì phải đấu giá đất theo quy định, đại biểu Dương Hoàng Hương đề nghị dự thảo cần xác định cơ chế tài chính sử dụng khoản chênh lệch này theo hướng nhà nước để lại một phần thỏa đáng, đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội ngay tại khu vực có đất bị thu hồi.
Nhiều đại biểu Quốc hội khi phát biểu trong phiên thảo luận sáng 19/11 cũng đồng tình với quy định các trường hợp tổ chức cá nhân có quyền nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ các cá nhân, tổ chức khác để làm dự án đầu tư nếu dự án này không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất và phù hợp với quy hoạch.
Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn TP Đà Nẵng) kiến nghị để có thể thực hiện quy định này nhà nước nên công bố, công khai quy hoạch các khoản thuế và phí nhà nước sẽ thu và nhà nước chỉ quản lý về quy hoạch và không can thiệp sâu vào quá trình của người sử dụng đất và chủ đầu tư.
Đại biểu Dương Hoàng Hương cũng cho rằng những trường hợp nhận chuyển nhượng, góp vốn đất như vậy mới chỉ cân đối được lợi ích của hai bên tham gia trực tiếp trong dự án, còn những người khác có đất (ở cùng khu vực), trong điều kiện tương tự nhưng bị thu hồi theo quyết định của Nhà nước thì sẽ cảm thấy không công bằng, thua thiệt vì mức bồi thường theo đơn giá Nhà nước thấp hơn so với mức thỏa thuận.
Do đó, cơ chế giá bồi thường của Nhà nước nên được xây dựng dựa trên mức giá thỏa thuận đạt được trung bình trong các dự án thỏa thuận để xác định mức giá đền bù công bằng.
Đồng thời trong dự thảo quy định về tổ chức định giá đất nhưng chưa xác định cụ thể ý nghĩa và mức độ giá trị tham vấn của các tổ chức này, do vậy, cần quy định rõ hơn nội dung này trong luật.
DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: