Chủ đầu tư Dự án Chung cư Thái An ở TP.HCM đang đề xuất điều chỉnh thiết kế 15 căn hộ có diện tích 102 - 242 m2 (thuộc tầng 16) thành 52 căn hộ có diện tích nhỏ hơn. Ảnh: S.T |
Việc chia nhỏ căn hộ là giải pháp cần thiết vào thời điểm này, song không thể áp dụng cho tất cả các dự án, mà phải tùy vào điều kiện thực tế của từng dự án.
Cho phép về chủ trương...
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII, một trong những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) là: “cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch”.
Ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trên thị trường, nhiều chủ đầu tư đã xây các chung cư có nhiều căn hộ với diện tích lớn, giá tiền lớn. Trong khi đó, có rất nhiều người đang cần mua căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, với giá phù hợp hơn. “Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc cho phép điều chỉnh các căn hộ này nhỏ lại bằng cách chia nhỏ căn hộ lớn. Chỉ trừ những dự án trong nội đô với các sản phẩm căn hộ cao cấp mà chủ đầu tư không muốn chia nhỏ, còn các dự án xa trung tâm thành phố thì việc chia nhỏ căn hộ là cần thiết”, ông Dũng nói.
Từ hơn một năm nay, giải pháp chia nhỏ căn hộ để tăng tính thanh khoản đã được các chủ đầu tư nhiều lần đề xuất với các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho biết, thay vì 1 căn hộ rộng 100 m2 không bán được, DN không có nguồn thu, Nhà nước không thu được thuế, thì bây giờ chia nhỏ ra thành 2 hoặc 3 căn hộ, với giá thấp hơn, DN dễ có cơ hội bán được hàng…
Song không áp dụng tràn lan
Việc chia nhỏ căn hộ chỉ là 1 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho phân khúc nhà chung cư, nhưng để giải pháp này thực sự hiệu quả, thì chỉ nên áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể và phải có sự tính toán kỹ lưỡng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Việt Nam phân tích, xét riêng về chỗ ở, thì 10 m2 là có thể đảm bảo được tiện ích sinh hoạt tối thiểu đối với một cá nhân, nhưng còn các điều quan trọng khác là tiện nghi không gian công cộng, tiện nghi sinh hoạt, bao gồm hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ phải đảm bảo ở mức tối thiểu thì mới mong có một đô thị phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng lo ngại rằng, việc chia nhỏ căn hộ sẽ làm thay đổi toàn bộ cấu trúc của cả chung cư và hậu quả là kết cấu sẽ không đảm bảo an toàn như thiết kế ban đầu. Hơn nữa, việc này kéo theo sự điều chỉnh của hàng loạt vấn đề phức tạp khác, như điện nước, nhà vệ sinh… Về lâu dài sẽ tạo áp lực lên hạ tầng xã hội xung quanh dự án.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng lại phân tích: “Về lâu dài, những nhà diện tích nhỏ, giá rẻ, nên làm nhà ở cho thuê thì tốt hơn để bán. Xây căn hộ có diện tích nhỏ, chất lượng thường kém. Cuộc sống người dân sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến người tiêu dùng có thể quay lưng lại với nhà ở giá rẻ. Lúc đó, các khu nhà này sẽ bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn. Hậu quả sẽ rất tai hại, khó giải quyết”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: