Top

Thanh Hóa xin làm đường ven biển hơn 2.000 tỉ đồng theo hình thức BT

Cập nhật 06/08/2018 14:53

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa theo hình thức BT.

Bản đồ tuyến đường ven biển Thanh Hóa - Ảnh: Sở GTVT Thanh Hóa

Tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa dài 25km là một phân đoạn của tuyến đường ven biển đoạn qua Thanh Hóa có chiều dài 96km.

Tuyến đường sẽ bắt đầu tại ranh giới giữa tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa thuộc địa phận thôn Tiến Giáp, xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn và kết thúc tại vị trí giao với đường tỉnh 510 thuộc địa phận xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa.

Tổng mức đầu tư dự án là 2.242 tỉ đồng. UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất phương án thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tại các huyện có tuyến đường đi qua (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa) và tại TP.Thanh Hóa. Nếu được chấp thuận, dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2018-2023.

Liên quan đến câu chuyện đầu tư theo hình thức BT, Bộ Tài chính cũng vừa có công văn gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong văn bản này, Bộ Tài chính yêu cầu kể từ ngày 1.1.2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.

Cũng theo Bộ Tài chính, quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì từ ngày 1.1.2018 đã không còn áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT.

Trước đó vào tháng 10.2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT. Đến nay, văn bản này chưa được ban hành và trong thời gian đó, việc đổi đất lấy hạ tầng sẽ dừng thực hiện.

Ngay tại Hà Nội, Bộ Tài chính cũng có công văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Chỉ đạo này được đưa ra sau khi UBND thành phố Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư gây nhiều xôn xao trong dư luận.

DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế Giới