Top

Tăng tốc hàng loạt công trình giao thông ngàn tỉ

Cập nhật 26/02/2010 08:20


Tuyến Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài là một trong những dự án được kỳ vọng trong năm nay. Ảnh: Đào Lê .
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo các sở – ngành, quận – huyện và các chủ đầu tư rà soát danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư, cắt giảm các dự án chưa cần thiết hoặc chưa phù hợp quy hoạch, nhằm tập trung vốn thực hiện các công trình, dự án cấp thiết trong năm 2010 và các năm tiếp theo.

Sở Kế hoạch và đầu tư được giao phối hợp Sở Tài chính đề xuất UBND thành phố tạm ứng vốn cho các dự án phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình trọng điểm của thành phố, để đẩy nhanh tiến độ triển khai trong các năm sau.

Dự án trị giá 2,3 tỉ USD

Theo sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong năm nay sẽ khởi công và khởi động nhiều công trình lớn cả về quy mô lẫn tổng vốn đầu tư. Trong đó, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, tuyến đầu tiên của thành phố và của cả nước đang phấn đấu hoàn tất thủ tục trong năm nay để khởi công vào đầu năm 2011. Đây là dự án có mức đầu tư kỷ lục hơn 2,3 tỉ USD, phần lớn vay từ ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2015, nhằm tạo “cú hích” cho giao thông công cộng TP.HCM phát triển. Theo tính toán, khi đi vào hoạt động, tuyến metro này có thể phục vụ hơn 160.000 lượt khách/ngày và hơn 300.000 lượt khách/ngày vào năm 2020. Với vận tốc 40km/h, thời gian đi từ chợ Bến Thành đến khu du lịch Suối Tiên được rút ngắn chỉ còn 30 phút.

Bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám sau nhiều năm gián đoạn vì vướng các thủ tục, quy chuẩn cũng dự kiến khởi công trong năm nay. Đây là một trong nhiều dự án bãi đậu xe ngầm đang được TP.HCM triển khai nhằm “chữa cháy” cho tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe tại khu trung tâm. Dự án có tổng đầu tư hơn 100 triệu USD, gồm năm tầng ngầm đậu xe với tổng diện tích hơn 72.000m2, đủ chỗ cho 2.000 xe máy, 1.250 ôtô con và 28 xe buýt đậu cùng lúc.

Tuyến Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài có chức năng giải toả một lượng phương tiện khổng lồ hướng từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và khu vực lân cận ra các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức để đi về các tỉnh miền Đông, miền Bắc, được kỳ vọng sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để chính thức khởi công trong năm nay. Nếu đúng kế hoạch, tuyến vành đai này có thể được thông xe cuối năm 2013.

Một số dự án quan trọng khác như cầu Sài Gòn 2, tuyến tramway (tàu điện mặt đất) số 1, dự án cầu đường Bình Triệu 2... cũng dự kiến khởi công trong năm nay theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Ngưng các dự án kém hiệu quả

Ở tầm kết nối khu vực, trong năm nay, ngành giao thông TP.HCM khẳng định phối hợp với các cấp Trung ương đẩy nhanh tiến độ thi công, khởi công và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình như: đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường vành đai 3, quốc lộ 50, các nút giao thông trên quốc lộ 1A (nút Gò Dưa, nút ngã tư Ga, nút Tân Thới Hiệp)…

Bên cạnh đó, hàng loạt các công trình trọng điểm của những năm trước sẽ được hoàn thành và hoàn thiện trong năm nay. Trong đó phải kể đến đường “ngoại giao” Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa dẫn từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố đã khánh thành giai đoạn một trước tết Nguyên đán và dự kiến xong giai đoạn hai trước ngày 30.4. Sau thời điểm này, trục đường “ngoại giao” sẽ cấm hoàn toàn việc dựng lôcốt đào đường, bởi mọi công tác lắp đặt cống thoát nước, ngầm hoá lưới điện đã được thực hiện đồng bộ với quá trình nâng cấp, mở rộng đường suốt bốn năm qua. Các dự án đường kết nối của cầu Phú Mỹ cũng sẽ thông xe chậm nhất là giữa năm nay nhằm đảm bảo cho xe tải nặng lưu thông. Riêng đại lộ Đông Tây sẽ thông xe 18km toàn tuyến vào cuối 2010 và tăng tốc thi công hầm Thủ Thiêm để hoàn thành đầu 2011, đảm bảo cho xe cộ lưu thông giữa hai đầu đông – tây thành phố.

Ông Đậu An Phúc – trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (sở Giao thông vận tải) – cho biết để tránh tình trạng chậm trễ tại các dự án trọng điểm, trong năm nay, sở yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai các dự án thật cụ thể, trên cơ sở đó tính đến phương án rút vốn hoặc đề xuất ngưng với các dự án kém hiệu quả. Mặt khác, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế – cung cấp – xây dựng) nhằm cho phép nhà thầu chủ động trong việc thi công để rút ngắn thời gian hoàn thành công trình. Ngành giao thông cũng đề xuất thuê tư vấn nước ngoài lập dự án, thiết kế, quản lý, giám sát thi công với các công trình lớn quan trọng.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị