Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc này gặp phải nhiều ý kiến phản ứng cho rằng khó khả thi, không công bằng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản (BĐS). Hướng đề xuất là Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch BĐS khi có biến động lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đề xuất tăng thuế này không hợp lý, không công bằng và khó khả thi.
Phản tác dụng với sốt đất
Bộ Xây dựng cho rằng một số đối tượng đầu cơ BĐS hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố như hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường.
Bộ dẫn chứng sốt đất xảy ra tại các địa phương dự kiến lập đặc khu kinh tế như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang… Các địa phương cũng đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn việc tách thửa, giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền chính sách đến người dân. Dù vậy, hiện nay hệ thống thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ và đồng bộ để phục vụ công tác quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương. Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường.
Theo ông Nguyễn Đức Duy, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại TP.HCM, trị sốt đất không thể dùng chính sách tăng thuế giao dịch vì có thể phản tác dụng. Giá BĐS ở những khu vực tăng cao trong một thời gian ngắn thường có lý do như thay đổi chính sách kinh tế, quản lý ở khu vực đó, thay đổi hạ tầng giao thông… Đây là vấn đề thuận mua vừa bán nên tăng thuế giao dịch là không công bằng.
Ông Phúc (ngụ quận 9, TP.HCM) cũng cho rằng tăng thuế ở khu vực sốt đất sẽ không làm cho khu vực đó hạ sốt mà còn nguy cơ khiến giá đất tăng lên cao, càng khiến người dân có nhu cầu nhà ở thực sự khó mua được nhà. Theo ông, việc minh bạch thông tin về BĐS ở địa phương mới là điều cần thiết cho một thị trường lành mạnh.
Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia BĐS, hiện nay người dân còn thiếu thông tin rất nhiều. Nhà đầu tư, người mua nhà thường nghe tin hành lang mà người tung tin lại là những đầu nậu muốn bơm giá. Do đó, từng cơ quan chính quyền phải thông tin công khai quy hoạch, có cơ quan tư vấn hỗ trợ để người dân nắm được nguồn tin chính thống.
Ví dụ như phổ biến cho người dân biết khu nào là khu nông nghiệp ổn định, chắc chắn không chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khu nào sẽ được phát triển và giao đất theo dự án; nhà đầu tư có thể nhận chuyển nhượng được… Từ trung ương đến địa phương phải có trung tâm thông tin về giá BĐS để giới đầu cơ không thể thổi giá một cách tùy tiện.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: