Top

Tản mạn nghề môi giới

Cập nhật 27/12/2015 09:20

Năm 2015 là một năm sôi động của thị trường với thanh khoản tăng đột biến, nhờ đó mà nhiều môi giới có một năm “ăn nên làm ra”.


Tuy nhiên, niềm vui ấy có vẻ không chia đều cho tất cả, mà vẫn có nhiều môi giới phải vật lộn với nghề mới có đủ doanh số, đặc biệt những nhân viên mới đang đứng trước áp lực sa thải vì không hoàn thành chỉ tiêu cuối năm.

Trong một lần gặp mặt người viết gần đây, Việt Hoàng, nhân viên môi giới tại một sàn có địa chỉ tại Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ, năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, thay vì theo chuyên ngành chính là quản trị kinh doanh của mình, anh rẽ hướng sang làm môi giới bất động sản.

Từng chứng kiến nhiều đàn anh, đàn chị theo nghề này có thu nhập khủng cả chục triệu mỗi tháng, nhất là dịp cuối năm, được thưởng một khoản tiền rất lớn, Hoàng cũng có đam mê làm giàu từ nghề môi giới. Thế nhưng, khi vào nghề rồi, Hoàng mới thấm sự vất vả của nghề: Lương được vài triệu bạc, nhưng lại có hàng trăm loại chi phí khác nhau.

Muốn nhận đủ lương thì tổng phí giao dịch nhận được từ khách hàng là nhà đầu tư phải đạt 35 triệu đồng/tháng. Với phí giao dịch từ 0,15 - 0,2% cho một thương vụ, thì muốn kiếm được 35 triệu đồng, số tiền giao dịch của nhà đầu tư phải xấp xỉ 20 tỷ đồng.
 

Hoàng kể, thời gian đầu cũng nghĩ đấy là khoản chi phí cho đi như kiểu "thả con săn sắt..", bởi thấy ai cũng làm vậy để tạo dựng mối quan hệ khách hàng, từ chi phí điện thoại, xăng xe, đến café, quảng cáo, sale web, phát tờ rơi... Sau đó, họ cũng kiếm được một vài giao dịch khi thị trường sôi động, nhất vào quãng đầu và giữa năm, nhưng tính đi, tính lại, thấy thu chẳng đủ bù chi.

Nào là để chạy tin nhắn SMS cũng phải mất 250 -700 đồng/tin nhắn, chạy nghìn khách cũng đôi triệu. Treo tờ phướn, phí nộp cấp giấy phép cũng 1,2 triệu đồng. Chi phí xây dựng và thiết kế website, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội, cũng ít phải 2,3 triệu đồng/tháng (chưa kể có phản ánh trái chiều là chủ đầu tư yêu cầu dẹp)...

Muốn nhận đủ lương thì tổng phí giao dịch nhận được từ khách hàng là nhà đầu tư phải đạt 35 triệu đồng/tháng. Với phí giao dịch từ 0,15 - 0,2% cho một thương vụ, thì muốn kiếm được 35 triệu đồng, số tiền giao dịch của nhà đầu tư phải xấp xỉ 20 tỷ đồng. Nếu dưới mức đó 3 tháng liền sẽ bị trừ 30% lương. Tính ra, nhiều môi giới âm cả tiền lương, dù thị trường vẫn ấm.

“Đấy là lúc hồi giữa năm thị trường sôi động, nhu cầu tăng đột biến mà còn khổ thế, chứ cuối năm thì còn khổ nữa. Giờ cung thì nhiều, mà người mua thì kỹ tính, chẳng hiểu làm sao ra được con số định mức nữa. Chắc lại âm tiền”, Hoàng than thở.

Với những lời chia sẻ của Hoàng, có thể phần nào cảm thấy sự khó khăn vất vả của rất nhiều người trẻ đang theo đuổi một nghề được coi là “thời thượng”. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác, sự khốc liệt của thị trường lại mang lại cơ hội sàng lọc và giúp cho thị trường ổn định hơn.

Ông Giáp Văn Kiểm, Giám đốc Siêu thị dự án STDA miền Trung chia sẻ, chuyện các môi giới viên phải lao lực mà vẫn không đủ miếng cơm, manh áo là câu chuyện có thực. Thử tưởng tượng thị trường hiện tại có 100.000 món hàng cần phải bán, mà chỉ có khoảng 20.000 người có nhu cầu thực sự, thì biết áp lực doanh số sẽ đè nặng như thế nào!?

Chính vì thế, các nhân viên non kinh nghiệm, mới vào nghề, chưa nhiều kiến thức về tư vấn, họ sẽ phải làm mọi cách, mọi thủ thuật để bán được hàng, “xấu” cũng nói thành “tốt”, thậm chí ngày nào cũng gọi, cũng nhắn tin, gây phiền hà cho khách hàng.

"Các môi giới trẻ tuổi nghề phải hiểu rằng, cách làm của khoảng 20% số môi giới thành công với nghề hiện tại không phải đơn thuần chạy theo khách hàng để bán bằng mọi giá, mà phải là tạo dựng được niềm tin để khách hàng lựa chọn mình", ông Kiểm nói.

Bán một món hàng đã khó, bán một món hàng cả tỷ bạc mà người ta giỏi lắm cũng chỉ có thể mua vài lần trong đời thì còn khó biết nhường nào. Vậy nên nghề môi giới bất động sản, nếu có thể làm tốt thì thực sự đang vươn tới đỉnh cao của nghề bán hàng.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản