Luật đất đai và các quy định hiện hành không hạn chế diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp. Điều này được hiểu là các địa phương phải tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của người dân.
Nhiều người dân muốn tách thửa đất nông nghiệp nhưng không được giải quyết. Trong ảnh: một thửa đất nông nghiệp tại huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: NGỌC HÀ
|
“Không giải quyết tách thửa đất nông nghiệp thì sẽ thiệt thòi cho những trường hợp người dân muốn sang nhượng một phần đất nông nghiệp Một cán bộ Phòng TN-MT huyện Hóc Môn nhận định |
Không nhận hồ sơ
Bà Nguyễn Thị T. ở huyện Củ Chi cho biết gia đình bà làm nông nghiệp nhiều đời, hiện còn diện tích đất khá lớn. Nay bà muốn bán một phần đất để phụ con tiền mua nhà nên tìm hiểu để tách thửa đất, làm giấy đỏ riêng cho dễ bán.
Qua tìm hiểu, bà T. biết hiện nay UBND huyện Củ Chi không nhận hồ sơ xin tách thửa đất nông nghiệp. Có người tư vấn cho bà muốn tách thửa phải chuyển thành đất ở mới được giải quyết. Nhưng khu đất của bà T. ở sâu trong đồng, đi lại khó khăn thì làm sao bán đất ở?
Hơn nữa, muốn tách thành đất ở phải đóng tiền sử dụng đất khá lớn, bà không có khả năng.
“Người đang thuê đất của tôi muốn mua mấy sào đất để làm rau màu, họ nói tách thửa được thì họ sẽ mua. Nhưng giờ chưa tách thửa được nên họ chưa chịu chồng tiền” - bà T. cho biết.
Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) huyện Củ Chi xác nhận đơn vị này không giải quyết hồ sơ xin tách thửa đất nông nghiệp từ cuối năm 2014, khi quyết định 33 của UBND TP có hiệu lực. Quyết định 33 của UBND TP chỉ quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất ở, chứ không quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Vững, phó Phòng TN-MT, cho biết do quyết định 33 không quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp nên UBND huyện không có cơ sở để giải quyết.
“Từ khi quyết định 33 có hiệu lực đến nay, UBND huyện đã có hai văn bản gửi UBND TP và Sở TN-MT kiến nghị hướng dẫn cụ thể về việc tách thửa đất nông nghiệp nhưng đến nay chưa được phản hồi. Hiện nay, huyện chỉ áp dụng quyết định 33 giải quyết tách thửa cho đất nông nghiệp kèm chuyển mục đích thành đất ở” - ông Vững nói.
Tại các huyện ngoại thành khác cũng hạn chế giải quyết tách thửa đất nông nghiệp cho dân. Phòng TN-MT huyện Bình Chánh cho biết chỉ tách thửa đất nông nghiệp cho những trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo (có mã số quản lý của UBND xã) và những trường hợp chia thừa kế.
Huyện vận dụng tiêu chuẩn theo quyết định 19 năm 2009 của UBND TP về diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp.
“Mặc dù quyết định 19 đã hết hiệu lực, nhưng huyện nhận thấy tiêu chuẩn trên phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nên áp dụng giải quyết cho dân” - một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Bình Chánh cho biết.
Huyện Nhà Bè cũng đang vận dụng tiêu chuẩn diện tích tối thiểu để tách thửa là 1.000m2 đối với đất lúa và 500m2 đối với đất nông nghiệp khác (theo quyết định 19 năm 2009) để tách thửa đất nông nghiệp cho những trường hợp chia thừa kế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Còn huyện Hóc Môn ngừng nhận hồ sơ dạng này và giải thích: khi nào có hướng dẫn, phòng
TN-MT sẽ thông báo rộng rãi để người dân nộp hồ sơ.
Không cho tách thửa
vì khó quản lý!
Luật đất đai năm 2013 giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quy định diện tích tối thiểu để tách thửa đất ở, nhưng không đề cập diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp.
Một cán bộ Sở TN-MT TP cho biết khi dự thảo nội dung quyết định 33 về diện tích tối thiểu để tách thửa đất thì tuân thủ quy định của luật.
Như vậy, có thể hiểu rằng các địa phương phải giải quyết tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của người dân và phải quản lý để người dân sử dụng những thửa đất mới tách đúng mục đích ghi trên giấy chứng nhận, không để dân xây nhà hay làm xưởng trên đất nông nghiệp.
Như vậy hoàn toàn không hạn chế diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp, các địa phương phải tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của dân.
Tuy nhiên thực tế tại TP.HCM với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhiều người dân tách thửa đất nông nghiệp, sau đó tự ý phân lô, xây dựng trái phép trong khi các địa phương quản lý không nổi. Đây là lý do mà nhiều địa phương không chịu tách thửa đất nông nghiệp cho dân.
Theo ông Nguyễn Văn Vững, nếu cho tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của người dân sẽ phát sinh nhiều hệ lụy khó quản lý.
“Một hộ dân có thể tách 1.000m2 đất nông nghiệp thành 10 lô đất 100m2 và bán cho nhiều người. Thực tế không ai đi mua 100m2 đất nông nghiệp để trồng rau, trồng hoa. Bên cạnh đó, người dân sẽ lách quy định để có thửa đất ở nhỏ hơn “chuẩn” của quyết định 33 nói trên bằng cách tách thửa đất nông nghiệp nhỏ rồi xin chuyển mục đích sử dụng đối với những khu vực phù hợp quy hoạch” - ông Vững nói.
Chính vì những nguyên nhân trên, ông Vững cho biết mặc dù quy định không cấm, nhưng huyện Củ Chi không dám giải quyết tách thửa đất nông nghiệp cho dân.
Huyện Bình Chánh cũng khẳng định khó quản lý việc sử dụng đất đúng mục đích nếu như không có hạn mức tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp.
Còn Phòng TN-MT huyện Hóc Môn cho biết việc tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của người dân sẽ làm đất nông nghiệp bị chia cắt manh mún, khó thực hiện quy hoạch và quản lý đất đúng mục đích.
Quản lý những “nền đất nông nghiệp” như thế nào?
Đại diện các huyện đều kiến nghị UBND TP hoặc Sở TN-MT TP phải có hướng dẫn hoặc định hướng về chủ trương cụ thể. Nếu thật sự “mở” hoàn toàn như quan điểm của Luật đất đai là không cấm thì các địa phương phải giải quyết tách thửa đất nông nghiệp theo nhu cầu của dân và bàn biện pháp quản lý những “nền đất nông nghiệp” như thế nào.
Trường hợp không cho tách thửa đất nhỏ thì phải kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng hạn mức tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp.
Sở TN-MT TP cho biết đang tập hợp kiến nghị của UBND các quận, huyện về tách thửa đất nông nghiệp và sẽ trình UBND TP hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, quan điểm của sở vẫn là không hạn chế diện tích tách thửa đất nông nghiệp và các địa phương phải tăng cường quản lý quá trình sử dụng đất.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: