Top

Suy ngẫm về các "chiêu lách luật"

Cập nhật 15/03/2010 13:10

Vừa qua, DĐDN có bài viết “Ba chiêu,… lách luật” vừa mang ý nghĩa thông tin, vừa chứa đựng hàm ý phê phán các kiểu luồn lách trốn tránh thuế đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Với tư cách “người trong cuộc”, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính bày tỏ một vài suy ngẫm.


Chính sách nào cũng có tác động nhiều mặt, một chính sách dù tốt đến mấy cũng khó tránh khỏi việc lợi dụng trong thực tiễn

Những hành vi đáng phê phán nêu trên đã được các chuyên gia nghiên cứu xây dựng chính sách nhìn thấy trước, ngay từ trong quá trình soạn thảo văn bản và thu thập ý kiến phản biện của các tổ chức, cá nhân. Nhìn nhận lại các khía cạnh của cuộc sống, không ít người chung tiếng nói: Chính sách nào cũng có tác động nhiều mặt, một chính sách cho dù có tốt đến mấy cũng khó tránh khỏi việc lợi dụng trong thực tiễn.

Vấn đề là ở chỗ xét về tổng thể xã hội, chính sách nào mang lại lợi ích chung cho quốc gia đại sự, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân thì Nhà nước sẽ ban hành. Điểm nào trong chính sách mà tạo ra kẽ hở, hoặc bị lợi dụng thì cần có quy định điều chỉnh hoặc có những biện pháp triển khai thực hiện phù hợp để chính sách đó đi vào cuộc sống.

Trước xu thế nhiều doanh nghiệp (DN), cơ quan dồn trả trước thu nhập cho cá nhân vào 6 tháng đầu năm (thời gian được Quốc hội cho miễn thuế TNCN), Thông tư số 160/2009/TT-BTC ngày 12/8/2009 của Bộ Tài chính đã có quy định ràng buộc nhằm hạn chế sự lợi dụng.

Lường trước việc các cá nhân kinh doanh bất động sản, đối với các trường hợp góp vốn, ghi danh hợp đồng mua, bán bất động sản rồi sau đó chuyển nhượng sang tay, Thông tư số 161/2009/TT-BTC ngày 12/8/2009 và Thông tư số 02/2010/TT-BTC ngày 11/1/2010 của Bộ Tài chính đã quy định việc thu thuế đối với cả trường hợp chuyển nhượng bất động sản tương lai.

Theo đó, những quy định cụ thể về việc áp dụng thuế suất 2% hay 25% được hướng dẫn chi tiết nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Cho dù chuyển nhượng căn hộ, chuyển nhượng nền nhà hay mới chỉ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn thì người kinh doanh bất động sản cũng sẽ bị điều tiết bởi thuế TNCN.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần có quy định thống nhất về nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản để thị trường không phải gánh chịu những tác động méo mó không cần thiết.

Đối với quy định của Luật thuế TNCN về việc miễn thuế đối với các trường hợp chuyển nhượng bất động sản cũng như thu nhập từ thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các đối tượng có quan hệ huyết thống gần gũi cần được nhìn nhận toàn diện. Miễn thuế trong trường hợp chuyển nhượng bất động sản là nhà ở, đất ở duy nhất nhằm tạo cơ hội cho người dân có điều kiện được chuyển đổi, được cải thiện nhu cầu chính đáng về nhà ở phù hợp với hoàn cảnh của cá nhân.

Quy định miễn thuế đối với các trường hợp giữa ông/bà nội/ngoại với cháu, cha/mẹ với con cái, anh chị em ruột... là xuất phát từ cuộc sống thực tiễn của đại bộ phận người dân nông thôn VN. Việc chia tách nhân khẩu của từng gia đình... là những điểm được cân nhắc rất kỹ và được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có những quy định ràng buộc cần thiết như chỉ xếp vào diện miễn thuế TNCN với trường hợp chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất khi và chỉ khi nhà ở đó, đất ở đó đã được cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, đất ở công nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính đến những trường hợp “né” thuế mà các báo đã nêu như: chị, em dâu hoặc anh, em rể có hoạt động chuyển nhượng, buôn bán bất động sản với nhau thì chí ít chúng ta cũng đã thu được lệ phí trước bạ, lệ phí địa chính, phí/lệ phí công chứng... từ các giao dịch này.

Hi vọng rằng, cùng với việc đưa tin, chúng tôi tiếp tục nhận được sự hợp tác, chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến xây dựng để công tác chính sách và quản lý thuế ngày càng hoàn thiện.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp