Đầu năm 2017, có thời điểm giá đất nền tăng gấp 2, gấp 3 lần chỉ trong vòng nửa tháng. Tình trạng sốt đất được cho là toàn diện tại các quận huyện ngoại thành TP.HCM. Kéo theo đó là đội quân cò đất rải khắp nơi, sẵn sàng giới thiệu, tư vấn và dắt khách hàng.
Sốt ảo đất nền
Cơn sốt đất nền tại TP.HCM xuất phát từ khu Đông sau thông tin UBND TP.HCM sẽ xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Cơn sốt đất nền lan rộng ra cả thành phố, nhất là khi có tin lãnh đạo TP cân nhắc việc quy hoạch 3 huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè lên quận.
Trên nhiều tuyến đường liên phường, chạy qua nhiều khu đất trống tại địa bàn ngoại thành, cảnh các biển rao bán nhà đất “đua nhau” mọc lên như nấm sau mưa.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong vòng 1 năm qua, giá đất nền tại TP.HCM tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực tăng trên dưới 70%. Đây chính là dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, gây nguy cơ thua lỗ cho nhiều nhà đầu tư nếu họ không có biện pháp ngăn chặn “cơn sốt” này.
Cơn sốt đất ngoại thành làm nóng thị trường
|
Điển hình, đất nền tại một số khu vực phân lô ở quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2. Giá đất nền tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) có vị trí tốt lên đến 10-12 triệu đồng/m2.
Giá đất nông nghiệp một số khu vực tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi tăng đến trên dưới 50% trong 4 tháng đầu năm 2017, trong đó đất nền mặt tiền Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn và Củ Chi) lên đến trên dưới 20 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, đất nền trong dân bị thổi giá chứ không phải đất của dự án. Đối tượng là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014, hoặc đất thổ vườn trong các khu dân cư nông thôn ở những quận vùng ven và huyện ngoại thành, thậm chí có cả một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy viết tay trái pháp luật.
Một trong những nguyên dân dẫn tới cơn sốt giá đất nền ở các quận ven và huyện ngoại thành là do sự phát triển mạnh hệ thống hạ tầng đô thị như các tuyến metro, đường cao tốc, đường vành đai, tuyến đường kết nối, liền theo đó là thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh,...
Cò đất đua nhau thổi giá
|
Hiện một số dự án giao thông đã và đang xây dựng có tác động lên thị trường bất động sản như dự án tại khu vực đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án đoạn đường song hành cao tốc từ Mai Chí Thọ đến Vành đai 2 đưa vào khai thác toàn tuyến đại lộ Phạm Văn Đồng, đang xây dựng tuyến metro số 1, đường Liên Phường - Đỗ Xuân Hợp (quận 9). Dự án cầu vượt Ngã 6 Gò Vấp, hầm chui An Sương đã khởi công, cầu qua sông Vàm Thuật kết nối An Phú Đông (quận 12) với quận Gò Vấp,...
Các khu vực này xuất hiện nhiều dự án chất lượng do những chủ đầu tư có tên tuổi trên thị trường triển khai như Khang Điền, M.I.K Corp, Novaland, Vingroup, Tiến Phước...
Những thông tin này kích thích, làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố. Giới đầu nậu và cò đất đã lợi dụng điều này để thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực trên lên cao.
Nhà đầu tư mắc kẹt
Khảo sát cho thấy, giao dịch chủ yếu đến từ các nhà đầu tư thứ cấp với nhau, rất ít người có nhu cầu thực mua đất nền để xây nhà trong thời điểm nóng sốt này. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu cứ chạy theo cơn sốt ảo mà bất chấp thì rủi ro là rất lớn. Tình trạng này đã từng xảy ra với cơn sốt đất năm 2007. Nếu người mua nhà đất không cẩn trọng thì sẽ rất nguy hiểm, rước rủi ro vào mình.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại thị trường đang bị thao túng bởi các chiêu làm giá của cò đất địa phương. Nếu cơn sốt ảo kéo dài, đất nền theo đà tăng lên rồi đột ngột hạ xuống, sẽ gây bất ổn cho thị trường.
Sau 5 tháng tung hoành, giá đất nền tại TP.HCM bắt đầu hạ nhiệt. Thị trường đất nền không còn sôi động, việc giá đất nền hạ xuống là điều không thể tránh khỏi, đã xuất hiện những bãi đất hoang, cỏ mọc ngập đầu... Giới đầu cơ, đầu nậu đón nhận sự thất thoát lớn khi ôm đất giá cao mà không thể bán lại.
Cơn sốt đi qua để lại nhiều hệ luỵ
|
Nhìn lại những cơn sốt đất trong 15 năm trở lại đây, khi cơn sốt đi qua có rất nhiều người giàu lên nhưng cũng có không ít người ôm nợ, bán cắt lỗ giá thấp hơn rất nhiều so với lúc mua.
Điều dễ nhận thấy nhất tại các khu vực đang lên "cơn sốt" là đội quân cò đất rải khắp nơi, sẵn sàng giới thiệu, tư vấn và dắt khách hàng. Các đầu nậu, cò môi giới đất là những người hưởng lợi nhiều nhất từ sơn sốt đất. Họ cũng chính là người thổi giá qua các tin đồn, ăn theo các dự án lớn sắp triển khai. Ngay cả thợ hồ, chạy chợ, người bán nước mía hay xe ôm,... đều trở thành cò đất.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá, giới đầu nậu và cò đất là bên lợi trong cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay. Cơn sốt này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường nhà ở và nhất thiết cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả. Không để xảy ra vỡ "bong bóng" dây chuyền trên thị trường cũng như để bảo vệ người tiêu dùng.
HoREA tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ quan ban ngành cần có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt cơn sốt giá đất nền. Trong văn bản này, HoREA một lần nữa khẳng định cơn sốt đất nền là do bị thao túng.
HoREA cho rằng TP.HCM cần sớm công bố rõ ràng thông tin như việc các huyện ngoại thành Hóc Môn, Bình Chánh có lên quận hay không để dặp tin đồn thổi giá của các cò đất. Ngoài ra, cần sớm thúc đẩy các dự án lớn của các doanh nghiệp như Tuần Châu, Vingroup,... để công khai, minh bạch thông tin.
Trước tình trạng này, UBND TP.HCM nhận định, đây chỉ là cơn sốt ảo và đưa ra biện pháp mạnh nhằm dập cơn sốt, trong đó có cả yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng thổi giá đất. Trước động thái này, cơn sốt đất nền tại TP.HCM đã nhanh chóng hạ nhiệt.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, không ngoại trừ khả năng cơn sốt này sẽ trở lại vào những tháng cuối năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: