Top

Sông Sài Gòn bị lấn chiếm, khó quy trách nhiệm

Cập nhật 11/10/2016 08:55

Sông Sài Gòn đã trở thành điểm đến của nhiều người dân khắp nơi và việc cơi nới, lấn dần ra sông cứ diễn ra từng ngày.

Sông Sài Gòn bắt nguồn từ biên giới thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chảy qua địa phận các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và TP HCM rồi hợp với sông Đồng Nai thành sông Nhà Bè đổ ra biển. Đây là con sông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đông Nam bộ.

Sông Sài Gòn đoạn đi qua địa phận TP HCM tính từ Ngã 3 rạch Vĩnh Bình đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ dài khoảng 37 km đang bị xâm lấn bởi quá trình đô thị hóa và sự quản lý thiếu nhất quán của  ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Từ Quận 12 xuôi về quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Quận 2… nhà dân và nhiều dự án xây dựng lấn ra tới mép sông Sài Gòn. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng ven sông Sài Gòn ở Quận 2, bờ sông gần như đã kín các dự án nhà ở, biệt thự. Đi trên tuyến đường này, không ai nhận ra cách đó vài chục mét là sông Sài Gòn bởi nó đã bị nhà ở vây kín.

Các dự án bên sông Sài Gòn thuộc quận 2

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Biên, một người gần như sống trọn cuộc đời trên con đường này, sông Sài Gòn rộng mênh mông, tàu thuyền qua đây rất dễ dàng. Từ chỗ một vùng đất ít người ở, nơi đây đã trở thành điểm đến của nhiều người dân khắp nơi và việc cơi nới, lấn dần ra sông cứ diễn ra từng ngày.

Chỉ tay vào đống xà cừ đã được đóng dưới nước phía xa xa, ông Biên cho biết qui trình lấn sông là như thế nào… Nhà nào giàu có thì nhiều khi đổ xe đất, xà bần rầm rộ, xây dựng cọc bê tông lấn thẳng ra sông, còn không thì cứ đóng cừ tràm, rồi dần dà đổ đất để lấn dần ra sông theo thời gian….Cứ thế mà dòng sông ngày càng bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Văn Biên nói: “Sông rộng bao nhiêu thì tôi không để ý nhưng càng ngày nó càng nhỏ đi. Ngày xưa ở đây như một đảo cù lao, sông không. Giờ đâu giống ngày xưa nữa, con sông hồi đó to mà giờ mất tiêu hết. Giống như ông này lấn một tí thì ông kia cũng lấn một tí, con sông ngày càng eo hẹp”.

Theo báo cáo của Khu quản lý đường thủy nội địa TP HCM, tính đến nay, sông Sài Gòn còn tồn 25 vụ vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, chủ yếu nằm ở các Quận 2, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức. Trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng, Khu quản lý đường thủy đã “điểm mặt” một số tổ chức, cá nhân vi phạm như khu đất của công ty Phúc Kiến Khang, công trình nhà ở thuộc công ty Bảo Tiến (khu đất giữa 2 nhà số 177/10 và 177/11 đường Nguyễn Văn Hưởng, nhà số 189B Nguyễn Văn Hưởng xây dựng sàn thép tạm tại khu vực bờ kè, công trình hồ bơi và nhà nghỉ mát trong hành lang tại địa chỉ số 204 Nguyễn Văn Hưởng…

Cái khó trong công tác quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn là việc không rõ trách nhiệm giữa các đơn vị chức năng. Theo Chỉ thị 09/2010 của UBND TP HCM thì trách nhiệm này thuộc về các Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và vai trò chính thuộc về Ủy ban nhân dân các quận, huyện. Tuy nhiên, dường như địa phương cũng đang gặp khó trong công tác này.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND Quận 2, nếu công trình xây dựng lấn sông không phép thì quận mới xử lý, sai phép thì thanh tra xây dựng xử lý.

“Hiện nay, cái khó nhất là người ta đang ở trên phạm vi đó, di dời thì không di dời được thì bắt buộc người ta có nhu cầu ở, xây dựng nhà thì phải xem xét nhu cầu đó nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn hành lang bờ sông. Thành ra Thành phố có Quyết định 27/2014/QĐ – UBND là trong 20 – 50m vẫn xem xét cho người dân xây, còn trong phạm vi 20m thì chỉ sửa chữa, xây dựng theo nguyên trạng”- ông Huỳnh Thanh Khiết nói.

Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng, Quyết định 150/2004 của UBND TP HCM phân công nhiều cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ sông. Trách nhiệm chính việc phát hiện và xử lý vi phạm hành lang là ủy ban nhân dân quận, huyện. Nhưng Quyết định 150 đã không xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trước UBND TP HCM dẫn tới đơn vị nào cũng đùn đẩy.

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, để giải quyết tình trạng trách nhiệm quản lý không rõ ràng, thành phố nên giao mỗi đoạn hành lang có một người chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn bộ hệ thống do Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm.

“Diễn ra tình trạng đó là do quá trình phát triển đô thị thì hiện nay cái san lấp trái phép rất phổ biến. Cái hành lang vừa để giao thông, vừa để dự trữ sau này đắp đê, trong qui hoạch đã có nhưng nếu không cẩn thận là mất. Bây giờ trong quản lý anh phải khắc phục cho được”- Tiến sĩ Võ Kim Cương cho biết.

Để bảo vệ con sông gắn liền với sự phát triển của TP HCM thì các cấp chính quyền và ngành chức năng phải quyết liệt vào cuộc. Bởi hậu quả từ việc lấn chiếm kênh, rạch, các nhánh sông và cả hai bên bờ sông Sài Gòn là ngập nước, ô nhiễm môi trường đang trầm trọng và nguy cơ phá vỡ cả quy hoạch đô thị của thành phố.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV