Chỉ tính riêng quý 1/2007, các khu công nghiệp đã thu hút thêm hơn 47 triệu USD vốn đăng ký đầu tư từ 8 dự án mới và 8 dự án tiếp tục tăng vốn mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Nhưng, trong tháng 9/2007, thành phố Cần Thơ không thu hút thêm dự án đầu tư mới, chỉ cấp điều chỉnh 01 dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 1,5 triệu USD cho Công ty TNHH Kwong-Lung Meko.
Tình trạng thiếu, hoặc chậm mặt bằng cũng như thiếu nguồn lao động đảm bảo chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư dè dặt khi đến khảo sát, "thử bàn" tại thành phố Cần Thơ.
Nhưng đáng nói nhất là, hiện nay, nhà đầu tư muốn vào khu công nghiệp Cần Thơ phải "xếp hàng" chờ vì không đủ đất! Ngay với các nhà đầu tư trong nước, với quy mô sử dụng đất không nhiều cũng gặp khó, huống chi là đầu tư nước ngoài.
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp Cần Thơ, xác nhận: trước hết là quy hoạch, nhưng quy hoạch cũng không được thuận buồm mát mái. Công ty Cafatex đăng ký thuê 10 ha đất để xây dựng cụm nhà máy chế biến thuỷ sản, thức ăn gia súc, kho lạnh; Công ty cổ phần chế biến thuỷ sản xuất khẩu Minh Hải xin thuê 15 ha đất xây dựng nhà máy chế biến thuỷ sản; Công ty TNHH Bia Phong Dinh đăng ký thuê 15 ha xây dựng nhà máy bia; chi nhánh Proconco Cần Thơ thuê 5 ha xây nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhưng chưa được giải quyết.
Trong khi đó, Công ty Xây dựng 586 - đơn vị kinh doanh địa ốc gần gũi với chính quyền địa phương - xin thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất, cũng phải chờ. Hiện nay, khu công nghiệp Trà Nóc I đã lấp đầy, khu công nghiệp Trà Nóc II đang gặp khó khăn trong khâu bồi hoàn giải phóng mặt bằng nên không còn đất cho thuê.
Nhiều nhà đầu tư nhận xét: do thiếu cơ chế thích hợp để chuyên lo kỹ thuật hạ tầng nên Cần Thơ khiến nhà đầu tư phải xếp hàng chờ được giao đất. Chờ lâu, đi lại nhiều, có lẽ đành bỏ cuộc. Sau 20 tháng làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hưng Phú I nhưng công ty cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ vẫn chưa thu hồi thêm được 1m2 đất nào ngoài 29 ha đất do công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ đã thu hồi trước đây.
Nhanh lên, các bước chuẩn bị!
Năm 2007, nước ta có thể thu hút trên 13 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và có thể tăng thêm nếu các địa phương chuẩn bị kỹ hơn và sớm có các quyết định về chủ trương đầu tư, qui hoạch đất đai, cũng như tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo. Nhà nước cũng đang tập trung hai lĩnh vực trọng yếu là cơ sở hạ tầng và điện. Song song đó là vấn đề đào tạo để chuẩn bị cho lực lượng lao động phục vụ đầu tư.
Những dự án đầu tư có số vốn lên đến 50 tỉ USD hiện đang đàm phán với các nhà đầu tư không phải sẽ vào Việt Nam cùng một lúc. Nhưng nếu sang năm 2008, chúng ta cấp giấy chứng nhận đầu tư 15 tỉ USD, thì phải tính ngay giải pháp cho 35 tỉ USD còn lại. Không thể để kéo dài được, bởi nhà đầu tư không thể chờ.
>> “Sóng” đầu tư vấp nhiều rào cản lớn (Phần 1)
Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: