Động thái thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng sự xáo động của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã phần nào làm giảm sự hưng phấn trên thị trường bất động sản (BĐS).
Trong thời gian chờ những động thái mới của cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách, nhà đầu tư và đầu cơ có khuynh hướng lựa chọn đất nền ven đô giá rẻ.
Hà Đông “dậy sóng”
Khi giao dịch phân khúc căn hộ chung cư giá rẻ tương đối trầm lắng, giá BĐS “neo” ở mức cao do không có gói chính sách hỗ trợ thì dòng tiền trên thị trường tỏa mạnh đi tìm kiếm lợi nhuận ở ven đô. Báo cáo mới đây của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho thấy, phân khúc đất nền, nhà liền kề, biệt thự tại Hà Nội có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, lượng giao dịch thành công chủ yếu tại những dự án vị trí đi lại thuận tiện, hạ tầng tốt.
Đất nền khu đô thị Thanh Hà trở nên sôi động trước quyết định đầu tư mua lại cổ phần Thanh Hà Cienco 5 Land của Tập đoàn Mường Thanh. Ảnh: Vân Hằng
|
Sau khi có thông tin Tập đoàn Mường Thanh mua lại 95% cổ phần chi phối hoạt động của Cienco 5 Land (đơn vị đang là chủ đầu tư thực hiện dự án Thanh Hà) đã “đẩy” phân khúc đất nền, liền kề tại khu vực Hà Đông trở thành kênh đầu tư sáng giá. Dù thời điểm hiện tại dự án còn “nhùng nhằng” quá trình chuyển giao nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đổ về khu đô thị Thanh Hà để tìm hiểu tình hình. Thông tin từ các văn phòng giao dịch BĐS cho biết, không chỉ khách hàng tại Hà Nội mà các tỉnh lân cận cũng săn lùng đất nền ở Thanh Hà bởi dự đoán biên độ sinh lợi cao. Qua tìm hiểu của phóng viên, vào giai đoạn đầu năm, giá đất nền tại khu Thanh Hà khoảng 18 triệu đồng/m2, song hiện tại khi Mường Thanh nhảy vào, giá được "hét" với mức trên dưới 30 triệu đồng/m2.
Tương tự, đất nền ở Dương Nội tăng giá từ 2 - 3 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất nền tại khu đô thị Phú Lương có mức giá giao động 25 - 30 triệu đồng/m2 với diện tích từ 90m2. Tại khu đô thị mới Xa La, “mảnh đất diện tích 50m2, mặt tiền 4,2m, đường 12m, hướng Đông – Nam” được “hét” giá 65 triệu đồng/m2. Không kém cạnh, đất nền khu Văn Quán, diện tích 80m2, mặt tiền 5m, đường trước nhà 13,5m, hướng Tây Bắc đang rao bán với giá 80 triệu đồng/m2.
Khảo sát một vòng tại nhiều sàn giao dịch BĐS khu vực Hà Đông, lượng khách thời điểm này ra, vào nhiều hơn trước. Theo anh Đặng Minh - nhân viên văn phòng nhà đất Yên Nghĩa, đầu năm 2016, với biến động về chính sách, người mua nhà ít mặn mà với chung cư đã dịch chuyển sang phân khúc đất nền. Thống kê trong tháng 4, sàn giao dịch được 6 mảnh đất ở các khu đô thị. Giá có chiều hướng tăng khoảng 5 - 10% cho thấy nhà đầu tư đã có những đánh giá khả quản về thị trường này.
Lo “bong bóng”
Giới đầu cơ đang truyền tai nhau rằng, giá đất nền tại một số khu đô thị Hà Đông sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Thông tin này càng đẩy thị trường tại đây nóng hơn so với mặt bằng chung. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch Liên minh G5 cho biết: “Sắp tới, giá nhà đất có khả năng dao động tăng vì tác động của giá vật liệu xây dựng cộng với một số chính sách mới”. Xét về khía cạnh của chủ đầu tư, thì đây lại là điều đáng mừng bởi giá được đẩy lên thì cũng có nghĩa chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mới trụ được. Giúp thị trường thanh lọc những vấn đề lập lờ xung quanh chuyện lập dự án rồi huy động vốn bằng cách lách luật, đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, một số chuyên gia BĐS lại lo ngại việc nguồn tài chính quá lớn chảy vào một khu vực và khi đầu cơ cũng hướng dòng tiền vào khu vực nhất định thì có thể khu vực ấy sẽ xảy ra "bong bóng". Đặc biệt, phân khúc đất nền vốn được biết đến là phân khúc đặc thù do yếu tố đầu cơ lấn át nhu cầu ở thật. Nếu nhận định này có cơ sở thì thị trường BĐS khu vực Hà Đông chính là cái tâm của tình trạng “bong bóng” nhà đất. Bởi hiện nay, giới đầu cơ nhà đất Hà Nội có xu hướng tập trung dòng tiền về đây để săn lùng mua và bán lại kiếm lời.
Tình trạng “bong bóng” có thể sẽ mang lại một lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu cơ. Nhưng ngược lại, nếu thị trường không phát triển hơn thì "bong bóng" nhà đất sẽ nổ, khi đó, hậu quả rất nặng nề. Dẫu vậy, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng cho rằng, chưa đáng quan ngại về "bong bóng" bất động sản. Năm 2007 - 2010, "bong bóng" BĐS xảy ra có nghĩa là giá nhà đất tăng chóng mặt từng ngày, lượng cung rất ít trong khi nhu cầu lớn. Còn hiện tại, khu vực đất nền Hà Đông chỉ đang sôi động hơn so với các khu vực khác chứ chưa khan và hiếm tới độ không kiểm soát được giá.
Chuyên gia nhận định
Thị trường mới chỉ “ấm” lên
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế cho rằng, một thị trường BĐS đứng trước một nguy cơ “bong bóng” cần xem xét ở phân khúc nào, và ở đó có “bong bóng” không thì cần phải phân tích về khâu định giá. Giá BĐS đang ở mức nào và có thực tế không? Thời gian qua phân khúc đất nền đã có dấu hiệu “ấm” trở lại ở một số khu vực, dự án được chuyển giao mua – bán lại cho các chủ đầu tư uy tín. Dù vậy, chỉ mới khuấy động thị trường chứ chưa sốt nóng bởi nhà đầu tư vẫn ở trạng thái nghe ngóng là chủ yếu. Nhìn vào thống kê có thể thấy giá đất nền đang tăng nhưng tăng nhẹ, vẫn nằm trong tầm kiểm soát nên chưa thể có “bong bóng”. Hiện tại cung vẫn cao hơn cầu. Dự báo, sau năm 2018 cầu sẽ lớn hơn cung, và giai đoạn 2021 - 2023 mới có thể xảy ra “bong bóng”.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: