Top

Nếu tiếp tục bơm tín dụng vào bất động sản, bong bóng lại xảy ra

Cập nhật 05/05/2016 13:14

Vai trò của ngân hàng rất quan trọng đối với nền kinh tế trong việc dẫn vốn tới DN, nhất là khối DN tư nhân. Hiện nay, tình hình tiếp cận vốn vay của DN đã dễ dàng hơn trước, khi ngân hàng luôn trong thế chủ động tìm đến khách hàng, nhất là với DN có sức khỏe tốt và lãi suất ở mức ưu đãi.


Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng cần tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thay vì chảy mạnh vào thị trường bất động sản. Vì vậy, việc Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng siết tín dụng lĩnh vực nhà đất là cần thiết nhằm hướng dòng chảy vốn vào mục tiêu quan trọng.

Dòng tín dụng dần được khơi thông

Nền kinh tế đang trên đà hồi phục chính là cơ hội để DN mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư. Đây cũng là thời cơ tốt cho ngân hàng trong việc dẫn vốn vào nền kinh tế khi sức hấp thụ đã được cải thiện. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được ngành đưa ra cho năm nay ở mức 18-20%, phù hợp với cầu tín dụng có dấu hiệu tăng. Việc cạnh tranh trong cho vay vốn của các ngân hàng đã dần tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi có nhu cầu sử dụng vốn vay. Các nhà băng đang chủ động đi tìm DN để cho vay vốn, nhất là DN có sức khỏe tốt, thay vì DN phải o bế ngân hàng như trước kia. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thị trường.

Tín dụng ngành ngân hàng đã tăng trưởng tốt trong năm 2015, với mức tăng vào khoảng 18% và với mục tiêu đưa ra cho năm 2016, dòng vốn tín dụng sẽ còn chảy mạnh hơn nữa vào nền kinh tế. Trong đó, Chính phủ và NHNN đã có chỉ đạo tập trung đẩy mạnh vốn cho DN tại lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay so với những năm đỉnh điểm của giai đoạn 2008 - 2011 đã hợp lý hơn nhiều. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN sản xuất - kinh doanh dao động 8 - 9%/năm và trung, dài hạn có thể cao hơn, nhưng DN có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, các DN uất khẩu là những khách hàng tiềm năng luôn được phía ngân hàng chào mời lãi suất cho vay cạnh tranh, nhất là đối với tín dụng ngoại tệ có lãi suất thấp hơn VND.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể được cung ứng vốn. Đặc biệt là với các DN vừa và nhỏ (SMEs), thiếu tài sản đảm bảo, chưa minh bạch thông tin về báo cáo tài chính hoặc vướng nợ xấu, ngay cả khi DN chịu lãi suất cao. Điều này là lẽ thường tình, bởi ngân hàng cũng là DN và phải kinh doanh trên chính đồng vốn huy động về. Nếu không kiểm soát được rủi ro về chất lượng tín dụng, nợ xấu tăng lên, trích lập dự phòng rủi ro của nhà băng sẽ tăng lên.

Vì thế, với các SMEs, để có thể tiếp cận được vốn ngân hàng khi không đáp ứng được tài sản đảm bảo, cách tốt nhất là cần tham gia vào các chuỗi liên kết, minh bạch thông tin về hoạt động, dòng tiền.

Phía ngân hàng cần đồng hành với hoạt động của các DN thuộc phân khúc này. Có như vậy, cung - cầu vốn mới gặp được nhau, dòng chảy vốn sẽ lưu thông tốt hơn. Sau đó, các SMEs tăng trưởng lớn dần sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của ngân hàng.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia ngân hàng

Nắn dòng vốn vào lĩnh vực mục tiêu

Để DN có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, cần dẫn dòng chảy tín dụng của các ngân hàng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.

Việc NHNN siết tín dụng bất động sản khi đưa ra Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là cần thiết, vì lịch sử thị trường bất động sản đã từng xảy ra “bong bóng” trong giai đoạn 2007 - 2008 rồi xẹp xuống, khiến nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh và không ít nhà băng gặp khó khăn do đã mạnh tay “bơm” vốn vào bất động sản. Nguồn tín dụng cần được tập trung đẩy mạnh vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Tất nhiên, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn rất lớn và nhu cầu vay vốn mua nhà đối với khách hàng cá nhân là không nhỏ, nhưng nguồn cung về bất động sản hiện chưa đáp ứng được cầu, do sản phẩm, hàng hóa các chủ đầu tư có giá cao hơn so với cầu thực của thị trường.

Thời gian qua, các ngân hàng đã mạnh tay đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản, chiếm phần lớn trong tổng dư nợ và tập trung nhiều vào cho vay mua nhà. Nếu các nhà băng tiếp tục rót tiền vào bất động sản sẽ tạo ra “bong bóng” và khó tránh lặp lại tình trạng nợ xấu cao. Thực tế, ngay cả thị trường lớn như Mỹ cũng từng đối mặt với vấn đề “bong bóng” bất động sản khi ồ ạt cho vay mua nhà vào những năm trước đây. Vì thế, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40% và tăng tỷ lệ rủi ro các khoản phải đòi bất động sản từ 150% lên 250% là rất cần để kiểm soát rủi ro vốn tín dụng vào bất động sản.

Nếu các nhà băng tiếp tục rót tiền vào bất động sản sẽ tạo ra “bong bóng” và khó tránh lặp lại tình trạng nợ xấu cao.
 

Quả thực, thị trường bất động sản ấm lên sẽ tạo điều kiện tích cực cho ngân hàng phát triển tín dụng, song nếu không kiểm soát được rủi ro sẽ là bất lợi cho ngân hàng. Nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao trong thời gian qua không nằm ngoài nguyên nhân đã cho vay nhiều vào bất động sản. Tuy nợ xấu toàn ngành đã về dưới mức 3% vào cuối tháng 9/2015 và các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VACM), nhưng thực tế việc xử lý nợ xấu vẫn là bài toán không đơn giản trước diễn biến thị trường hiện nay.

Doanh nghiệp trước áp lực tỷ giá, lãi suất

Mặc dù vốn tín dụng dần được khơi thông vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, song vẫn còn nhiều yếu tố từ bên ngoài sẽ tác động tới lãi suất. Trong đó, tỷ giá hối đoái sẽ chịu tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất đồng USD. Một khi tỷ giá tăng, lãi suất tiền đồng sẽ khó giữ nguyên. Nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ giá sẽ chưa hết áp lực trong năm nay và đây là một trong những nhân tố tác động đến DN. Nếu Fed nâng lãi suất, không chỉ tỷ giá mà lãi suất VND sẽ tăng và điều này đang khiến nhiều DN lo ngại.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã có thông điệp rõ ràng về việc Fed sẽ rất cẩn trọng trong bước nâng lãi suất tiếp theo, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa thực sự hồi phục ổn định. Bên cạnh đó, nước Mỹ đang trong giai đoạn biến động khi bầu cử Tổng thống mới, do vậy, lãi suất USD sẽ khó có biến động quá lớn và bất ngờ.

Với tình hình này, cùng diễn biến thị trường trong nước, cầu về ngoại tệ sẽ không cao nên áp lực tỷ giá tuy tồn tại nhưng không phải mối lo ngại quá lớn. NHNN cũng đã đưa ra các giải pháp để kiểm soát tỷ giá như: điều hành tỷ giá trung tâm, hạn chế cho vay ngoại tệ và kéo lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bằng USD về 0% vào cuối năm ngoái. Có thể, hiện một số cá nhân vẫn muốn nắm ngoại tệ, nhưng nếu Fed chưa sớm tăng lãi suất và tỷ giá trong nước được kiểm soát tốt thì giữ USD chưa hẳn đã có lợi.

Hiện tại, chỉ các DN có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu mới được vay ngoại tệ, tuy nhiên, dù theo các dự báo Fed vẫn chưa tăng lãi suất USD trong thời gian sớm, nhưng không có nghĩa là dừng tăng, nên các DN xuất khẩu cần thận trọng khi sử dụng vốn vay bằng USD, kể cả ngắn hạn, vì rủi ro biến động tỷ giá.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất tiền đồng đã giảm nhiều so với đỉnh điểm các năm cao nhất giai đoạn 2008 - 2011. Xu hướng lãi suất đầu vào có dấu hiệu nhích dần, nhưng nếu xét kỹ thì ngân hàng chỉ tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài với mục đích cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng quy định sửa đổi Thông tư 36 nếu sớm được ban hành. Lãi suất tiết kiệm có tiếp tục tăng trong thời gian tới hay không còn tùy thuộc vào tình hình thanh khoản của từng ngân hàng. Trong đó, với các ngân hàng nhỏ, dù đã trải qua quá trình tái cơ cấu, nhưng vẫn chưa thể tăng tốc phát triển trong giai đoạn ngắn và khó cạnh tranh với các tên tuổi nhà băng lớn, việc cạnh tranh bằng lãi suất huy động vốn là điều dễ hiểu.

Hiện nay, lãi suất vay đối với DN vào khoảng 8-9%/năm với kỳ hạn ngắn, lãi suất trung - dài hạn có thể cao hơn, trong khi, đối với DN triển khai các dự án lớn, nhu cầu vốn trung, dài hạn khá cao. Nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng, các DN sẽ phải cân nhắc nhiều hơn, vì thực tế lãi suất của Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực.


Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia ngân hàng
Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2016
DiaOcOnline/vn - Theo Đầu tư Chứng khoán