Do nhầm lẫn trong việc cấp sổ đỏ cách đây 20 năm, một người dân liên tục đi khiếu nại còn doanh nghiệp thì gặp rắc rối trong thi công dự án.
Vụ tranh chấp đất giữa ông V. và Công ty Đại Phúc từng căng thẳng đến mức lực lượng công an phải can thiệp - Ảnh: X.N. |
Những ngày qua, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc (viết tắt Công ty Đại Phúc) - chủ đầu tư thi công dự án dân cư tại Rạch Bà Tánh (xã Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) - phải đối mặt với sự cản trở từ một người cho rằng bản thân có liên quan tới khu đất mà công ty đang thi công.
Phức tạp chủ mới, chủ cũ
Dự án dân cư được thực hiện trên khu đất có diện tích gần 9.800m2. Nguồn gốc đất có từ trước năm 1975, do cha mẹ ruột ông T.V.V. (xã Phước Lộc, Nhà Bè) sử dụng. Năm 1994, mẹ ông V. làm đơn xin sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến đầu năm 1996, cha mẹ ông V. chuyển nhượng diện tích đất này cho ông T.C.N. (xã Bình Hưng) với giá 30 lượng vàng.
Cuối năm 1996, ông N. nhượng lại cho ông Đ.Đ.Tr. với giá 45 lượng vàng. Giấy tay mua bán giữa hai bên có xác nhận của UBND xã Bình Hưng và Công an xã Phước Lộc.
Sau đó, cha mẹ ông V. có viết đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất cho ông Tr.. Ông Tr. được xã Bình Hưng xác nhận và giao cho bản chính chứng thư và chứng từ của chính quyền chế độ cũ có liên quan đến khu đất. Ông Tr. sử dụng diện tích đất này đến năm 2004 thì UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Đại Phúc thực hiện dự án.
Khi triển khai thực hiện dự án, Công ty Đại Phúc bị ông V. gây trở ngại. Đỉnh điểm sáng 19-1, Công ty Đại Phúc cho người vây tôn, dựng rào để thực hiện công trình thì có một nhóm người kéo đến ngăn chặn. Tình hình hết sức căng thẳng. Công an huyện Bình Chánh phải điều động lực lượng đến vãn hồi trật tự.
Liên quan đến khu đất nói trên, tháng 9-2016, ông V. cũng làm hợp đồng bán một phần đất 3.700m2 với giá 9 tỉ đồng cho ni sư Nguyễn Thị Sự (trụ trì chùa Lá An Nhiên, Long An). Trụ trì chùa giao tiền cọc 3 lần tổng cộng 7 tỉ đồng nhưng mãi không thấy giao đất. Sư trụ trì gửi đơn tố cáo đi khắp nơi nhưng chưa được giải quyết.
Sở dĩ ông V. ngăn chặn Công ty Đại Phúc thi công là do ông có giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất, dù giấy đó bị UBND huyện thu hồi từ tháng 12-2015.
Cấp chủ quyền cho đất đã bán
Năm 1998, UBND xã Bình Hưng căn cứ vào đơn đăng ký ruộng đất năm 1994 (4 năm trước đó) của mẹ ông V. để đưa vào danh sách xin xét cấp giấy. Điều đáng nói là năm 1996, chính UBND xã Bình Hưng xác nhận trên đơn xin chuyển quyền sử dụng ruộng đất của cha mẹ ông V. cho ông Tr..
Cuối năm 1998, trên cơ sở tờ trình của UBND xã Bình Hưng, UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận cho 92 hộ dân, trong đó có cha mẹ ông V..
Ông V. cho rằng việc mua bán khu đất có thể do có người mua lừa dối, giả chữ ký của cha mẹ ông. Đồng thời dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, ông V. tranh chấp, gửi đơn đến cơ quan chức năng.
Khi vào cuộc giải quyết, UBND huyện Bình Chánh kiểm tra lại quá trình cấp giấy cho cha mẹ ông V., qua đó phát hiện các sai sót từ chính quyền xã trong việc trình cho huyện cấp giấy. Huyện cũng có sai sót do không yêu cầu người sử dụng đất nộp lại các giấy tờ cấp giấy chứng nhận quyền sử đất.
Tháng 12-2015, huyện Bình Chánh ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho ông V.. Không đồng ý, ông V. khiếu nại quyết định thu hồi của UBND huyện. Tháng 4-2016, giải quyết lần đầu, UBND huyện giữ nguyên quyết định ban đầu. Ông V. tiếp tục khiếu nại lần 2 lên UBND TP và một số cơ quan chức năng.
Giải quyết khiếu nại lần 2, UBND TP khẳng định phía UBND xã Bình Hưng và huyện Bình Chánh có sai sót trong việc cấp giấy chủ quyền cho khu đất. UBND TP cũng khẳng định việc chuyển nhượng đất của cha mẹ ông V. là có thật.
Ông V. vẫn không đồng tình với ý kiến của UBND TP, tiếp tục gõ cửa các cơ quan trung ương. Đồng thời chủ đầu tư vẫn gặp rắc rối do phía ông V. không cho thi công trên khu đất.
Phải chấp hành quyết định đang có hiệu lực
Theo luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt giấy chứng nhận) không đúng đối tượng, cấp trùng đất, chồng lấn đất... là khá phổ biến. Việc này gây ra nhiều hệ lụy như khiếu nại, tranh chấp, thậm chí lừa đảo, bán đất trên giấy...
Riêng trường hợp của gia đình ông V., nếu cho rằng việc UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận cho gia đình mình vào năm 1998 là đúng quy định pháp luật thì ông V. có quyền khiếu nại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khởi kiện dân sự "tranh chấp quyền sử dụng đất" tại tòa án. Kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở pháp lý để thể hiện chủ quyền cho gia đình mình.
Còn trường hợp phát hiện cấp nhầm giấy chứng nhận, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thu hồi giấy chứng nhận cấp trước đó. Hiện UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định thu hồi bản chính giấy chủ quyền vào năm 2015.
Nếu không đồng ý quyết định thu hồi này, ông V. có quyền khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc kiện vụ án hành chính để giải quyết. Tuy nhiên, cho đến khi có quyết định khác của cơ quan chức năng hoặc của tòa án, ông V. phải chấp hành quyết định hành chính đang có hiệu lực (quyết định thu hồi giấy chứng nhận).
Khi giấy chứng nhận bị thu hồi thì ông V. không còn quyền quản lý, sử dụng, định đoạt đối với đất này. Nếu ông V. sử dụng bản photo giấy chứng nhận cấp năm 1998 để cho rằng đất là của mình nhằm hợp tác, nhận đặt cọc để chuyển nhượng là trái quy định pháp luật, có thể bị cơ quan chức năng xử lý.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải giải quyết rốt ráo vụ việc để bảo đảm quyền lợi cho những người được cấp giấy chứng nhận hợp pháp với khu đất trên, cũng như ngăn chặn những rắc rối phát sinh.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: