Top

Sổ đăng ký sẽ thay “sổ đỏ”, “sổ hồng” ?

Cập nhật 14/07/2008 14:52

Sự phân tán về thẩm quyền, tổ chức các cơ quan đăng ký đã khiến người dân phải tìm đến hai cơ quan khác nhau để đăng ký một việc. Muốn bán nhà ở, người ta phải đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) để làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ và đến Sở Xây dựng để làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ). Người mua cũng được cấp hai giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận QSDĐ và Giấy chứng nhận QSHNƠ.

“Dẫm chân” nhau trong đăng ký BĐS

Những bất cập trên của hiện trạng pháp luật về đăng ký bất động sản (BĐS) đang được Ban soạn thảo Luật Đăng ký BĐS (Bộ Tư pháp) “mổ xẻ” trong quá trình góp ý xây dựng luật. So với dự thảo ban đầu được xây dựng vào năm 2005, dự thảo lần này có quan điểm rõ ràng về đối tượng đăng ký BĐS, tách chức năng của cơ quan quản lý và cơ quan đăng ký BĐS.

Ông Trần Đông Tùng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện pháp luật có nhiều văn bản qui định về đăng ký BĐS như các luật Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh BĐS và Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chức năng quản lý về đăng ký BĐS cũng thuộc nhiều cơ quan như Bộ TN-MT quản lý về đăng ký QSDĐ; Bộ Xây dựng quản lý đăng ký QSHNƠ, công trình xây dựng; Bộ Tư pháp quản lý đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ quan đăng ký BĐS cũng được tổ chức phân tán tại các địa phương theo thẩm quyền đăng ký đối với từng loại tài sản như Văn phòng Đăng ký QSDĐ thực hiện đăng ký QSDĐ, Sở Xây dựng thực hiện đăng ký QSHNƠ...

Thực tế trên đã tạo nên những bất cập, “dẫm chân” nhau trong thực hiện đăng ký đối với BĐS và chưa tách biệt được chức năng đăng ký là hoạt động dịch vụ công với chức năng quản lý của nhà nước. Pháp luật qui định tách biệt đăng ký QSDĐ với đăng ký tài sản gắn liền với đất, trong khi đó các tài sản này thường gắn kết với nhau thành một thể thống nhất và chủ sử dụng đất thường đồng thời là chủ sở hữu tài sản trên đất.

Ông Bùi Văn Tuân, Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký (Bộ TN-MT) cho biết, pháp luật nhiều nước qui định nếu đã có đăng ký BĐS thì không có công chứng BĐS và ngược lại nếu hệ thống công chứng BĐS bảo đảm, không cần cơ quan đăng ký nữa. Còn thực tế hiện nay ở nước ta, khi cơ quan thực hiện công chứng BĐS thì phải sang cơ quan đăng ký xin thông tin.

Về bản chất của hoạt động đăng ký vẫn còn nhiều quan điểm tranh luận, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: “Việc đăng ký có giá trị xác lập quyền đối kháng chứ không phải công nhận quyền sở hữu, vì bản chất của việc đăng ký là ghi nhận các quyền, giao dịch đã tồn tại hợp pháp. Ví dụ tôi có một ngôi nhà, đăng ký hay không vẫn là nhà của tôi nhưng nếu tôi đăng ký, tài sản này sẽ được công khai và ưu tiên trong giao dịch”. Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, tiến tới mỗi quận, huyện sẽ có một cơ quan đăng ký BĐS.

Về hệ thống tổ chức cơ quan đăng ký BĐS, có hai phương án: Tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương và giữ nguyên mô hình cơ quan đăng ký QSDĐ hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tư- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) cho rằng cần bỏ qui định Văn phòng Đăng ký QSDĐ thuộc Sở TN-MT & NĐ mà văn phòng này là cơ quan độc lập, được tổ chức theo ngành dọc. Cũng theo ông Tư, hệ thống cơ quan đăng ký BĐS này giao cho Bộ Tư pháp quản lý phù hợp hơn là giao cho Bộ TN-MT.

Thống nhất một giấy chứng nhận về quyền đối với BĐS

Quan điểm thống nhất Giấy chứng nhận đăng ký BĐS được nhiều người đồng tình. Trước đó, nhiều người cho rằng, nên lấy “sổ đỏ” làm gốc rồi ghi thêm quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Quan điểm khác lại cho rằng cần thống nhất theo mẫu “sổ hồng” hoặc ban hành mẫu giấy mới hoàn toàn (Giấy chứng nhận QSDĐ và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) và cấp đổi dần dần sổ đỏ, sổ hồng hiện nay khi người dân tiến hành giao dịch.

Dự thảo đưa ra hướng thống nhất một giấy chứng nhận về quyền đối với BĐS là thống nhất tờ giấy gốc được lưu giữ bởi cơ quan đăng ký (sổ đăng ký), ghi nhận quyền, giao dịch về BĐS. Những giấy tờ giao cho người dân là bản sao nội dung của sổ đăng ký gốc. Giấy chứng nhận được giao cho người có quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS là một giấy chứng nhận cả QSDĐ và quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất.

Theo Hà Nội Mới