Top

Smartland của Vũ Đức Tĩnh lại huy động vốn

Cập nhật 28/08/2018 09:11

Nguồn gốc, phương thức mời gọi người dân góp vốn, phân chia lợi nhuận của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án bất động sản Smartland đang bị dư luận đặt nhiều nghi vấn

Hôm 19-8, tại trụ sở Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án bất động sản (BĐS) Smartland (viết tắt Công ty Smartland - lầu 9 tòa nhà Kicotrans, 46 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM), hàng trăm người tham dự hội nghị khách hàng về dự án kinh doanh BĐS Smartland.

Chia lợi nhuận gần 100%/năm

Thế nhưng, điều mà nhiều người thắc mắc là Công ty CP Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp (DN) quốc tế (Công ty BNI) lại là đơn vị tổ chức, điều hành hội nghị nêu trên. Trong khi đó, ông Vũ Đức Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Smartland, đồng thời Chủ tịch HĐQT Công ty BNI và là người ký văn bản có nội dung đe dọa truy sát cán bộ, nhân viên VTV9 sau khi kênh truyền hình này đăng phóng sự "Đa cấp BĐS quốc tế - nhà đầu tư mất trắng" liên quan đến Công ty Smartland.

Tại hội nghị khách hàng về dự án kinh doanh BĐS Smartland, ban tổ chức (Công ty BNI) không cho phép người tham dự chụp hình, quay phim. Ông Vũ Đức Tĩnh vắng mặt, lãnh đạo cao nhất của Công ty BNI xuất hiện là ông Phạm Văn Tuyên, tổng giám đốc. Còn ông Nguyễn Như Hữu, Giám đốc đào tạo Công ty BNI, là diễn giả giới thiệu các dự án BĐS, mời gọi nhà đầu tư hợp tác với Smartland để xây dựng, kinh doanh các dự án này.

Theo đó, ông Nguyễn Như Hữu chào mời nhà đầu tư hợp tác bằng cách góp vốn 10 triệu đồng, thời hạn 24 tháng sẽ được chia lợi nhuận 40.000 đồng/ngày (mỗi tháng 20 ngày), tính ra sau 2 năm thu về 19,2 triệu đồng (khoảng 100%/năm) lợi nhuận. Đặc biệt, nhà đầu tư góp 10 triệu đồng còn được Công ty Smartland tặng 10.000 cổ phiếu để mua căn hộ của Công ty Smartland hoặc chuyển nhượng cổ phiếu cho người khác. Ngoài ra, người hợp tác còn được Công ty Smartland bố trí việc làm với thu nhập từ 3,5 triệu đến 30 triệu đồng/tháng…

Tìm cổ đông sáng lập

Với số vốn nếu huy động được, dự kiến đầu năm 2019, Công ty Smartland sẽ đầu tư xây dựng dự án khu chung cư bình dân, diện tích đất 3.000 m2 ở quận 8, TP HCM; dự án khu căn hộ cao cấp, biệt thự sân vườn trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng.

"Hiện tại, chúng tôi đã có 1 triệu người hợp tác đầu tư và nếu mỗi người hợp tác 10 triệu đồng sẽ có được số vốn to lớn để đầu tư xây dựng các dự án BĐS. Chính vì thế, chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng khu resort 5 sao ở Phú Quốc, đầu tư ra nước ngoài qua việc mua 5 biệt thự thuộc dự án Forest City ở Malaysia, đồng thời Công ty Smartland vừa làm việc với đối tác Campuchia để đầu tư các dự án BĐS tại quốc gia này" - ông Hữu quảng bá tại hội nghị khách hàng về dự án kinh doanh BĐS Smartland.

Nói tới đây, ông Hữu mời các vị khách đến từ Campuchia đứng dậy "chào sân". Thế nhưng, sau khi trao đổi với nhân viên của mình, ông Hữu thông báo với hội nghị đoàn đại biểu Campuchia đã về nước... Tiếp đó, ông Hữu cho biết Công ty BNI đã 2 lần phối hợp với các công ty con, tổ chức họp cổ đông sáng lập với số lượng lên tới 500 người để tiến tới thành lập Tập đoàn BNI.

"Thế nhưng, chúng tôi còn cần thêm 10 cổ đông sáng lập. Tuy nhiên, mỗi cổ đông sáng lập phải hợp tác tối thiểu 500 triệu đồng để ngày 27-8, Công ty BNI tổ chức họp cổ đông lần 3, chốt danh sách cổ đông sáng lập, thành lập Tập đoàn BNI (trong đó có Công ty Smartland). Theo đó, cổ đông sáng lập Tập đoàn BNI sẽ được tặng cổ phiếu nội bộ, chia cổ tức, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…" - ông Hữu kêu gọi và hứa hẹn.

Công ty BNI họp cổ đông vào sáng 27-8. Ảnh: THANH HÙNG

Mập mờ danh tính

Theo ông Vũ Đức Tĩnh, Công ty Smartland thành lập năm 2011, hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Qua quá trình phát triển, công ty đã cổ phần hóa, chuẩn bị nâng cấp thành tập đoàn và hiện có 500 cổ đông, 500.000 cá nhân, tổ chức hợp tác làm ăn, nhiều công ty con trực thuộc.

Tuy nhiên, khi chúng tôi truy tìm thông tin Công ty Smartland (mã số DN 0314850833) thì biết công này đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 22-1 với tư cách công ty cổ phần. Đến ngày 1-8, Công ty Smartland lại thay đổi đăng ký kinh doanh với mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên và ngày 8-8 tiếp tục đăng ký kinh doanh chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên với tên gọi Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án BĐS Smartland, vốn điều lệ 20 tỉ đồng.

Như vậy, tuy Công ty Smartland đã thay đổi mô hình hoạt động và tên công ty nhưng từ tháng 7-2018 đến nay, các văn bản, tài liệu, con dấu của công ty này lại thể hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án BĐS Smartland. Từ đó, dư luận cho rằng danh tính Công ty Smartland có phần mập mờ.

Tiếp thị bất động sản Malaysia

Tài liệu của Công ty Smartland cho thấy công ty này đang triển khai dịch vụ tư vấn khách hàng mua BĐS của dự án Thành phố mới thuộc Đặc khu Kinh tế tại Malaysia (ForestCity Malaysia) sẽ được chiết khấu 2%-18%/giá trị BĐS.

Theo đó, Công ty Smartland cung cấp hàng loạt thông tin về giá cả, tỉ lệ quy đổi VNĐ sang đồng ringgit (tiền của Malaysia), vị trí, thời gian dự kiến bàn giao… các biệt thự ven biển, căn hộ có diện tích từ 48 m2 đến 91 m2. Ngoài ra, Công ty Smartland còn hướng dẫn nhà đầu tư lộ trình đặt cọc và thanh toán tiền mua BĐS theo hướng chuyển đổi VNĐ sang đồng ringgit rồi thanh toán trực tiếp cho chủ dự án ForestCity Malaysia.

Trường hợp bên mua BĐS cần dịch vụ chuyển tiền sang Malaysia thì phí chuyển tiền là 1,3%, còn nếu thanh toán thông qua Công ty Smartland sẽ được miễn phí.

Tuy vậy, nhiều người vẫn hoài nghi dịch vụ tư vấn mua BĐS tại Malaysia là không thật. Bởi lẽ, nhà tư vấn - Công ty Smartland không đưa ra thông tin nào cho thấy ai là chủ dự án ForestCity Malaysia, mối quan hệ giữa chủ dự án này với Công ty Smartland?

Có dấu hiệu phạm luật

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP HCM, khi chuyển tiền ra nước ngoài để mua BĐS, DN phải có giấy phép của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau đó, DN phải đăng ký tiến độ chuyển tiền với NH Nhà nước để chuyển ra nước ngoài thông qua các NH thương mại. "Công ty Smartland không có giấy phép đầu tư ra nước ngoài nhưng nhận tiền của nhà đầu tư rồi chuyển đến Malaysia không thông qua hệ thống NH là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Còn người dân mua đồng ringgit để mua BĐS ở nước ngoài cũng vi phạm các quy định về giao dịch ngoại tệ, bởi pháp luật chỉ cho phép người dân mua ngoại tệ nếu chứng minh được mục đích sử dụng là hợp pháp" - ông Minh nói.

Kế hoạch "khủng"

Ngày 27-8, ông Vũ Đức Tĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển DN quốc tế (Công ty BNI), triệu tập hàng trăm người hợp tác kinh doanh họp cổ đông sáng lập lần 3 để nâng cấp Công ty BNI lên Tập đoàn BNI (BNI - Group, bao gồm 15 công ty, trong đó có các Công ty Thái Tuấn, Smartland…).

Tại cuộc họp cổ đông sáng lập ngày 27-8, ông Tĩnh yêu cầu người hợp tác kinh doanh cung cấp số tài khoản để công ty lên kế hoạch chia lợi nhuận.

Theo đó, người hợp tác giai đoạn 2015-2017 với số tiền 500 triệu đồng trở lên sẽ được Công ty BNI chia lợi nhuận theo lãi suất NH cho đến khi công ty phục hồi (dự kiến cuối năm 2018); còn người hợp tác 10.000 - 30.000 USD thì Công ty BNI dự kiến chia lợi nhuận theo lãi suất NH và sẽ tăng gấp 2-5 lần lãi suất NH.

Mặt khác, Công ty BNI đưa ra con số thành viên hợp tác kinh doanh là 850.000 người, trong đó 500 người hợp tác 200-500 triệu đồng là cổ đông sáng lập. Đặc biệt, Công ty BNI dự kiến sau khi lên BNI -Group vào tháng 6-2019, sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó 50.000 cổ phiếu phân chia cho 500 cổ đông sáng lập (được chia cổ tức 1 quý/lần và 1 năm/lần), 50 triệu cổ phiếu bán ra thị trường.

Ngoài ra, Công ty BNI còn thông báo cho người hợp tác biết công ty đang triển khai các dự án đất nền, chung cư 900 căn hộ tại các tỉnh miền Trung , Đông Nam Bộ và TP HCM…

Trước đó, ngày 24-8, ông Vũ Đức Tĩnh công bố danh sách họp cổ đông sáng lập BNI-Group. Theo đó, danh sách này có gần 50 người là lãnh đạo cấp cao, trong đó 19 phó tổng giám đốc, 24 giám đốc… và cổ đông sáng lập là hàng trăm cá nhân từng góp vốn từ 250 triệu đồng đến 500 triệu đồng vào các công ty phát hành tiền ảo, kinh doanh BĐS… thuộc Công ty BNI.

Thế nhưng, nhiều người đã từng hợp tác kinh doanh với các công ty trực thuộc Công ty BNI hoài nghi các thông tin do Công ty BNI đưa ra. Vì lẽ, họ từng được lãnh đạo, nhân viên các công ty này giới thiệu nhiều dự án kinh doanh, cam kết phân chia lợi nhuận hoành tráng… song thực tế, các công ty thành viên Công ty BNI thực hiện không đúng cam kết.



DiaOcOnline.vn – Theo NLĐ