Đất đai do các cơ quan Nhà nước sử dụng có diện tích rộng, phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa nhưng việc khai thác những lợi thế này để tạo ra nguồn lực tài chính lại không mấy hiệu quả, thậm chí lãng phí, sử dụng sai mục đích. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý cũng như tìm ra các giải pháp để tối ưu hoá những tài sản này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề lớn đặt ra.
Lô đất này do Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) quản lý để lập dự án bố trí xây dựng trụ sở các Tổng công ty
|
Mặc dù, cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị. |
Thông tư số 41/2015/TT-BTC về sửa đổi Điều 9 Thông tư số 39/2011/TT-BTC ngày 22/3/2011 của Bộ Tài chính mới đây về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được kỳ vọng không chỉ góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước mà còn khai thác có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực tài chính từ quỹ nhà, đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại diện Bộ Tài chính, Thông tư quy định việc thanh toán số tiền hỗ trợ di dời các hộ gia đình, cá nhân đã bố trí làm nhà ở trong khuôn viên cơ sở nhà, đất khác (nếu có) của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức thuộc cùng phạm vi quản lý của các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, còn quy định thời hạn các tổ chức, cá nhân phải nộp số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tài khoản tạm giữ, thời hạn chủ tài khoản tạm giữ giải quyết hồ sơ và thực hiện chi tiền từ tài khoản tạm giữ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Bên cạnh đó, Thông tư quy định rõ quy trình ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với số tiền thu được từ việc sắp xếp lại nhà đất đã được sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng của địa phương và hỗ trợ di dời các hộ gia đình cá nhân, Thông tư quy định rõ quy trình ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với số tiền này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với các quy định tại Thông tư số 41/2015/TT-BTC, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức và Cty nhà nước có căn cứ pháp lý để thực hiện đầy đủ, đúng quy định giúp cho việc thanh toán các khoản chi phí được kịp thời. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao, tránh tình trạng Bộ ngành, DNNN “ôm” trụ sở cũ như thời gian vừa qua. Từ đó, đảm bảo việc quản lý, sử dụng có hiệu quả số tiền thu được từ sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương, TCty nhà nước trong việc triển khai thực hiện phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục phó Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính: Sẽ hối thúc việc quản lý chặt
Thực tế, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng nhận thấy nhiều hạn chế của công tác xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, tiến độ tổng thể về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm so với yêu cầu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; Nhiều cơ sở nhà, đất đã phê duyệt phương án được 2- 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong; Còn tồn tại tình trạng một số cơ quan, đơn vị sau khi được phê duyệt phương án xử lý đã tiếp tục cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, không chấp hành thời hạn thực hiện phương án xử lý... Một số đơn vị được nhà nước cho phép đầu tư xây dựng trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ, trong khi các cơ quan, đơn vị khác phải đi thuê trụ sở làm việc với kinh phí lớn...
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu chưa quan tâm đến vấn đề này, thì nguyên nhân khách quan là quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được hình thành và được bố trí sử dụng qua nhiều thời kỳ trong điều kiện chế độ quản lý, sử dụng trước đây chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn tới nhiều trường hợp rất khó xử lý như: bố trí nhà ở trong khuôn viên cơ quan, DN ở trong cơ sở hoạt động sự nghiệp; ranh giới phân chia giữa các cơ quan, đơn vị khi có sự tách, nhập không rõ ràng; hồ sơ nhà, đất lưu trữ không đầy đủ, bị thất lạc,...
Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc kê khai, lập và phê duyệt phương án xử lý nhà, đất để cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xử lý kịp thời trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị khi di dời sang địa điểm mới.
TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế: Cần cơ chế xử phạt
Thực tế, trong thời gian qua, cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, TCty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng và việc khai thác, quản lý có hiệu quả nguồn lực tài sản là nhà, đất nói chung. Mặc dù, lợi ích trực tiếp cho đơn vị quản lý, sử dụng và lợi ích cho toàn xã hội đã được thể hiện rõ thông qua cơ chế và thực tế triển khai thực hiện, nhưng các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng, cũng như một số bộ, ngành có tâm lý cố giữ đất.
Do vậy, việc tìm ra các giải pháp để tối ưu hoá những tài sản này nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề lớn đặt ra. Theo đó, cần phân định rõ trên cơ sở tách biệt quyền và trách nhiệm về quản lý, sử dụng tài sản giữa cơ quan nhà nước với đơn vị sự nghiệp công lập.
Với các quy định mới về hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện cũng như quy trình ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước, tôi nghĩ, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức và Cty nhà nước sẽ có căn cứ pháp lý để thực hiện đầy đủ, đúng quy định giúp cho việc thanh toán các khoản chi phí được kịp thời. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng được giao... Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để vận dụng những quy định trong thông tư vào thực tế được hiệu quả lại là điều cần sự phối hợp công minh của các cơ quan đơn vị cũng như các DN.
Theo đó, bên cạnh việc ban hành thông tư, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có những quy định hướng dẫn thực hiện cụ thể và phải có những ràng buộc hình thức xử phạt đối với những đơn vị không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng những quy định.
Theo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính): Qua số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 58 Bộ, ngành, 17 Tập đoàn, TCty nhà nước và (55/63) địa phương, đến hết tháng 10/2013, các Bộ, ngành TW, Tập đoàn, TCty nhà nước, các địa phương có 146.030 cơ sở phải thực hiện kê khai, sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg. Đến nay, đã báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tổng số 117.438 cơ sở nhà, đất; với tổng diện tích khoảng 1.860 triệu m2 đất và khoảng 105,9 triệu m2 nhà. Trong đó, bán, chuyển nhượng 2.539 cơ sở với tổng diện tích đất khoảng 4,9 triệu m2; tổng diện tích nhà khoảng 1,1 triệu m2. Chuyển mục đích sử dụng đất 336 cơ sở với tổng diện tích đất khoảng 2,9 triệu m2; tổng diện tích nhà khoảng 1,3 triệu m2... Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất là 24.458 tỷ đồng.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: