Top

Sếp Savills nhận định gì về thị trường bất động sản?

Cập nhật 01/07/2011 15:10

Ông Troy Griffiths, Giám đốc toàn quốc, Bộ phận Nghiên cứu & Định giá, Savills Việt Nam, thử đặt mình vào vị trí một doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản để “đo” độ khó của thị trường hiện nay.

Ông Troy Griffiths: “Một số dự án đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, nguy cơ phải giải chấp bất động sản vẫn chưa xuất hiện”
* Thưa ông, hiện có ý kiến cho rằng thị trường đang ở giai đoạn khó khăn nhất và điều này sẽ dẫn đến việc cơ cấu lại các nhóm, loại sản phẩm bất động sản, các mảng thị trường, quan điểm của ông như thế nào?

Đúng là thị trường bất động sản hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, bất động sản là một thị trường năng động và sẽ không ngừng thay đổi cũng như điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thị trường. Đỉnh và đáy của thị trường sẽ luôn xuất hiện. Thị trường đi xuống sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực vượt lên bằng cách tái cấu trúc hoặc thực hiện các mô hình kinh doanh thay thế.

Trong thời kỳ phát triển, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng có thể thu được lợi nhuận. Tuy nhiên trong thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư cần phải có những giải pháp mạnh, kỹ năng tốt và kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng điều chỉnh để thích nghi với thị trường. Điều quan trọng là bất động sản là một kênh đầu tư dài hạn và đây vẫn là phương án đầu tư hiệu quả trong tình hình hiện tại. Vì vậy, cho dù xảy ra biến động trong ngắn hạn, các nhà đầu tư vẫn phải tập trung vào tầm nhìn dài hạn.

* Theo ông nhìn nhận, thời điểm nào thị trường có thể hồi phục và phân khúc nào sẽ hồi phục sớm hơn?

Chúng tôi đánh giá Quý II năm 2012 sẽ có sự hồi phục vững chắc trên hầu hết các phân khúc. Cho đến nay, Chính phủ vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nhìn chung, chính sách này sẽ đem lại lợi ích lâu dài và ổn định nền kinh tế. Những động thái gần đây của Chính phủ để kiềm chế lạm phát cũng như hạn chế tín dụng sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn nữa trong ngắn hạn.

Đương nhiên, các chính sách này phải được kiểm soát chặt chẽ. Việc nới lỏng tín dụng sẽ là một biện pháp được mong đợi và giúp khôi phục phân khúc chịu ảnh hưởng nhất nhà ở do đây là phân khúc phục vụ cho một số lượng lớn dân số. Cho dù người mua hiện nay vẫn còn khá dè dặt nhưng có khả năng lượng cầu kiềm nén trước đây sẽ bùng lên, tạo đà phục hồi cho tất cả các phân khúc thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở.

* Lúc này cần có cơ chế chính sách gì để khôi phục được thị trường, thưa ông?

Tôi nghĩ, những cải cách ngoài lĩnh vực ngân hàng vẫn cần được tiếp tục. Chính sách cải cách trong lĩnh vực hành chính, pháp lý và đăng ký đất đai giúp tạo ra một phân khúc bất động sản thương mại minh bạch hơn sẽ được thị trường đón nhận tốt hơn. Hình thức cải cách này là một biện pháp tốn kém và khó thực hiện nhưng sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh dài hạn cho thị trường bất động sản thương mại của Việt Nam.

* Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang chịu áp lực rất lớn về vốn vay và các khoản nợ. Nếu từ nay đến cuối năm không có những biện pháp đáng kể nào được đưa ra thì giá bất động sản sẽ còn giảm sâu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Một số dự án lớn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tuy nhiên nguy cơ phải giải chấp bất động sản vẫn chưa xuất hiện. Ở Việt Nam các dự án có thể ngừng triển khai nhanh chóng để giảm thiểu rủi ro từ gánh nặng lãi suất. Có khả năng là nhiều dự án dự định bắt đầu vào năm 2011 sẽ phải hoãn lại và định giá lại do cầu thay đổi giữa các phân khúc bất động sản.

Các nhà đầu cơ và chủ đầu tư bất động sản đầu tư dàn trải mà không có đủ tiềm lực về vốn sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tất cả các thương vụ đầu tư đều có rủi ro. Các nhà đầu tư cẩn trọng sẽ ít bị ảnh hưởng trong dài hạn. Các dự án mới hoàn thành một phần hoặc cố giữ ở mức giá không thực tế sẽ phải chấp nhận giảm giá. Việc giảm giá là không thể tránh khỏi khi mức giá cao đã tồn tại trong một thời gian dài và trong điều kiện kinh tế phát triển chậm thì việc điều chỉnh giá đến mức thích hợp hơn sẽ xảy ra.

* Việc bắt tay với các quỹ đầu tư nước ngoài có phải là giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp đang khát vốn không, thưa ông? Liệu các quỹ đầu tư có muốn giải ngân vào lúc này? Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam và các dự án của họ đã đủ hấp dẫn?

Đúng vậy. Việc liên doanh với các công ty nước ngoài có thể đem lại một nguồn vốn tiềm năng lớn. Mối quan hệ hợp tác này có thể đem lại nhiều lợi ích hơn là chỉ cung cấp vốn, do đối tác nước ngoài thường sẽ cung cấp những kinh nghiệm có giá trị có thể áp dụng cho thị trường trong nước. Điều này sẽ có ý nghĩa ngay cả trong giai đoạn thị trường tăng trưởng.

Thị trường Việt Nam đã thu hút được nhiều chú ý từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Thành công gần đây của những quỹ đầu tư tại Việt Nam đã chứng minh được điều này. Khu vực châu Á có khả năng thanh khoản cao trong khi hầu hết các thị trường khác vẫn đang chững lại, do đó sẽ có nhu cầu đầu tư vào các công ty và dự án ở Việt Nam.

Tuy nhiên có một sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro ở đây. Việt Nam phải cạnh tranh có hiệu quả với các nước trong khu vực để tiếp cận nguồn vốn này và các công ty nước ngoài có cơ hội lựa chọn để đầu tư vào các nền kinh tế đã phát triển hơn với các thông lệ thương mại an toàn hơn. Vì vậy, việc định giá hợp lý và xây dựng mối quan hệ tốt vẫn là chìa khóa để thành công trong liên doanh với nước ngoài.

* Nếu đặt mình vào vị trí của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cụ thể, ông cảm thấy khó khăn lớn nhất lúc này là gì? Và với ông đâu là chìa khóa để vượt qua giai đoạn hiện nay?

Khó khăn lớn nhất lúc này là việc đối phó với những thách thức ngắn hạn trong khi vẫn kiên quyết tập trung vào mục tiêu dài hạn. Thị trường trầm lắng tại thời điểm hiện tại sẽ tạo ra nhiều cơ hội tốt mà chủ đầu tư nên luôn luôn theo dõi. Bất động sản là kênh đầu tư dài hạn rất tốt. Với các yếu tố nền tảng hỗ trợ cho việc thị trường tiếp tục phát triển, Việt Nam có tiềm năng phát triển trên tất cả các phân khúc. Giải pháp hiện tại vẫn là tập trung vào những lợi ích của đầu tư bất động sản, tin tưởng vào những yếu tố nền tảng và tránh bị rơi vào bẫy suy nghĩ tiêu cực khi thị trường đi xuống.

Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN