Top

Âm ỉ giao dịch đất nền tỉnh lẻ

Cập nhật 01/07/2011 10:10

Trái với lời kêu gọi giải cứu thị trường BĐS của một bộ phận nhà đầu tư, không ít công ty BĐS lợi dụng thời kỳ nhà đất đóng băng đã bung tiền thu gom đất nền giá rẻ tại các tỉnh lẻ ven đô và mặc nhiên quy hoạch phân lô hòng kiếm chác.

“Hai lúa” mơ thành dân đô thị

Từ khu vực nội thành TP.HCM, men theo quốc lộ 22, chúng tôi đến được con đường liên tỉnh nối huyện Hóc Môn (TP.HCM) với huyện Đức Hòa (Long An). Mặc dù là cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM nhưng đường đi khá xấu. Được biết vào những giờ cao điểm, các tuyến đường liên tỉnh này thường xuyên xảy ra kẹt xe, việc đi lại của người dân vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa.

Sau hơn 1 giờ đi xe máy, chúng tôi có mặt tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Những thửa ruộng, đất vườn tại đây mặc dù đầy ắp nước ngọt từ các trận mưa giữa mùa, nhưng người dân vốn đã quen “một nắng hai sương” không còn mặn mà đến việc trồng trọt, chăn nuôi như cách đây vài năm về trước.

Người dân xây gạch ngay dưới mép nước để đánh dấu quyền sở hữu của mình

Từ những cung đường liên tỉnh rộng rãi đến các con đường làng ngoằn ngoèo, chúng tôi đều bắt gặp các tấm biển ghi: Giới thiệu mua bán đất. Điều làm chúng tôi chú ý là “đại bản doanh” của các tụ điểm mua bán này chỉ là một túp lều lụp xụp được che đậy tạm bợ bằng các tấm bạt hay “lịch sự” hơn thì cũng chỉ là những ngôi nhà mái lá.

Được một nhân viên mặc đồng phục của một công ty bất động sản có trụ sở tại Hóc Môn (TP.HCM) dẫn đi, chúng tôi được dịp mục sở thị các khu đất mà như giới thiệu: Tương lai nơi đây sẽ là một khu đô thị sầm uất. Nhưng sầm uất đâu không thấy, trước mắt chúng tôi, cảnh san lấp, đào bới đất vườn, đất ruộng vô tội vạ khiến một vùng đất nông nghiệp trù phú trước đây thành bãi chiến trường.

Những thửa ruộng xăm xắp nước bị bỏ hoang, cỏ mọc tua tủa, xanh ngắt. Một thửa ruộng bên cạnh mới chỉ san lắp tạm bợ, đất vẫn còn nức mùi rơm rạ. Đối diện là con đường rộng gần 8m, đất nhão nhẹt, được trải đá bi sơ xài và rất hiếm khi có người qua lại, bởi nó chỉ là những con đường cụt nối khu đất này với khu đất khác.

Đứng giữa một vùng đất màu mỡ rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, chúng tôi thật đau lòng khi chứng kiến người dân địa phương đua nhau phân lô, rào chắn, thậm chí họ còn xây móng tạm bợ mặc dù chưa được san lấp mặt bằng. Có người còn xây gạch ngay dưới mép nước tạo nên những “bãi tha ma” ngay chính tài sản vô giá mà cha ông để lại.

Lân la bắt chuyện tại các hộ gia đình, chúng tôi được biết, thời gian gần đây, nhiều người tự xưng là nhà đầu tư từ TP.HCM đến khảo sát các dự án đất đai để phát triển hạ tầng nhà ở. Nghe họ nói, tương lai vùng đất này sẽ trở thành một khu đô thị hiện đại và người dân không còn phải làm ruộng nữa mà vẫn có cuộc sống giàu sang, sung túc.

Được trả với giá khá cao đối với miếng đất mà bao đời nay nguồn thu nhập chỉ tính bằng đồng, nhiều hộ nông dân tại các tỉnh được hứa hẹn trở nên giàu có nên phần lớn trong số họ không còn mặn mà đến việc duy trì cái nghề đã gắn bó từ đời này qua đời khác.

“Hô biến” đất nông nghiệp thành đất dự án

Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các dự án bất động sản tại các tỉnh đều nằm sâu trong “đồng không mông quạnh”, rất hiếm hoặc không có dự án nào nằm dọc trên các tuyến đường giao thông lớn, trong khi đất đai hai bên các tuyến đường này không hề thiếu. Từ con đường lớn vào các dự án phải qua các con đường đồng ngoằn ngoèo, chỗ thấp chỗ cao. Tuy nhiên, khi đã đến gần các dự án thì đường được mở rộng thênh thang, có người nói với chúng tôi rằng, đây là những cái “túi bọc dự án”.

Một vùng đất nông nghiệp trù phú giờ thành "bãi chiến trường"

Thực tế, các dự án bất động sản này chỉ xuất hiện tại sàn giao dịch của các công ty không tên tuổi, đôi khi không biết dự án xuất phát từ đâu, ai là chủ đầu tư thật sự. Các công ty môi giới sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để thu gom nguồn đất đai “cực rẻ” này, nhiều dự án lên tới hàng chục đến vài chục hécta. Thế là, khi đã có đất trong tay, các công ty mặc nhiên xem đây là đất dự án được quy hoạch hẳn hoi và tha hồ chào giá.

Với giá gốc, theo nguồn tin của PV, chỉ vài trăm ngàn 1m2, sau khi chỉ cần san lấp, phóng vài con đường là họ có thể thổi giá gấp hàng chục lần giá gốc mà người mua vẫn xem là rẻ. Tại khu đô thị Mỹ Hạnh Nam (Đức Hòa, Long An), chúng tôi được nhân viên một công ty bất động sản có trụ sở tại Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, giá đất nền ở đây chỉ dao động ở ngưỡng từ 1,5 – 1,8 triệu m2. Theo như lời nhân viên này, mức giá trên được xem là khá mềm mà chỉ trong thời kỳ nhà đất đóng băng mới có.

Quan sát chúng tôi nhận thấy, lượng khách đến xem đất tuy không đông nhưng khá đều đặn, trung bình một ngày mỗi công ty môi giới tiếp từ 5 – 10 lượt khách. Trao đổi với một vài khách xem đất, chúng tôi cảm nhận họ sẵn sàng bỏ vài trăm triệu đồng để “tậu” ít nhất một miếng đất để dành. Một khách hàng không giấu giếm cho biết: “Với cùng số tiền này, nếu mua đất ở TP.HCM, chỉ có thể cùng lắm là được một miếng đất vài chục m2, nhưng ở đây tôi có thể mua được miếng đất lên tới vài trăm m2, thậm chí nếu gói ghém có thể sở hữu được 2 miếng”.

Có cung tất có cầu, thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM và tại các tỉnh lẻ vẫn được xem là miếng mồi còn khá “tươi” cho những ai biết “ăn theo thuở, ở theo thời”. Nhiều nhà đầu tư khôn ngoan với số tiền ít ỏi vẫn dễ dàng tìm cho mình những “miền đất hứa”, bởi khi thiên không thời, địa không lợi thì đã có “nhân hòa”.

DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc