Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 16 sân golf đang hoạt động, nếu tính luôn dự án đang triển khai thì có khoảng 60 sân golf. Trong đó, chỉ riêng các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Lâm Đồng và TP.HCM đã có tới 34 dự án sân golf được cấp phép với tổng diện tích hơn 13.000 ha.
Như báo chí đã thông tin, từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2007, tỉnh Long An đã chấp thuận đầu tư một loạt 13 dự án sân golf, đồng thời tiếp nhận hồ sơ 5 dự án sân golf khác với diện tích khoảng 9.500 ha. Thấy sự phát triển không bình thường, cuối năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã kết luận: trên địa bàn tỉnh chỉ tiếp nhận 3 dự án sân golf, các dự án sân golf còn lại phải chuyển mục đích đầu tư khác. Do vậy, cuối tháng 4.2008, UBND tỉnh Long An quyết định chọn 3 dự án sân golf tại các huyện Thủ Thừa, Cần Giuộc và Đức Hòa.
Mặc dù từ 13 dự án bị rút lại chỉ còn 3 dự án nhưng dư luận trong dân vẫn còn rất bức xúc. Như dự án sân golf tại xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) được triển khai ngay tại vùng đất chuyên trồng lúa. Toàn xã có 777 ha đất lúa thì bị thu hồi hết 256,3 ha với trên 600 hộ nông dân bị mất đất và chưa biết tương lai sẽ về đâu. Nhiều người cho rằng, trong các dự án sân golf thì mục tiêu đầu tư kinh doanh bất động sản là chính và sân golf chỉ là phụ. Như dự án Khu du lịch Thới Sơn (Tiền Giang), ngoài diện tích đất dành cho khu nghỉ dưỡng và khách sạn (36 ha), riêng đất sân golf và khu biệt thự là 220 ha.
Tương tự, dự án khu đô thị Sài Gòn - Mê Kông tại 2 huyện Bến Lức và Đức Huệ (Long An), dự kiến ngoài diện tích đất sân golf là 257,7 ha, riêng đất ở (gồm khu biệt thự cao cấp, khu nhà tái định cư) là 1.066 ha, chiếm 41,35% trên tổng diện tích của dự án là 2.577,9 ha. Chính vì có hiện tượng một số nhà đầu tư đăng ký dự án với mục đích bao chiếm đất rồi sang nhượng lại nên tỉnh Long An đã thành lập đoàn kiểm tra tình trạng này nhưng chưa có kết luận chính thức, trừ một dự án tại huyện Cần Giuộc đã được kết luận.
Mất đất trồng lúa là một chuyện. Đó là chưa nói những cảnh báo về việc sân golf gây tác hại môi trường. Theo các chuyên gia thì một sân golf 18 lỗ sử dụng tới 150.000m3 nước mỗi tháng. Và để bảo vệ thảm cỏ đẹp cho sân golf, người ta phải sử dụng thuốc trừ nấm, trừ sâu, trừ cỏ và phân bón hóa học với lượng gấp 3 lần sản xuất nông nghiệp. Sân golf đang là sân chơi cho khoảng 5.000 thành viên ở các câu lạc bộ golf, trong đó chỉ có khoảng 2.000 người chơi thường xuyên và cả nước có 100.000 người đủ khả năng kinh tế để chơi môn thể thao "quý tộc" này.
Trong một phát biểu gần đây, TS Nguyễn Văn Huỳnh (Đại học Cần Thơ) nói: "ĐBSCL không những là vựa lúa của cả nước mà còn là vốn quý cho an toàn lương thực của cả khu vực. Dẫu biết công nghiệp hóa là xu thế tất yếu để đất nước phát triển, nhưng tiến trình phải theo sự quy hoạch của toàn vùng. Gần đây nổi lên phong trào quy hoạch khu công nghiệp, chẳng những ở cấp tỉnh mà ngay cả ở cấp huyện. Kiểu quy hoạch chạy theo thành tích và vô trách nhiệm đã băm nát ruộng vườn một cách vô tội vạ. Vậy mà bây giờ lại đến lượt quy hoạch sân golf, nghe mà giật mình"!
"Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, đất nông nghiệp lại bị tấn công mãnh liệt, có tổ chức, quy mô rộng và đầy quyết tâm như hiện nay. Cả nước hiện có 7,5 triệu ha đất trồng trọt, trong khi đất trồng lúa 2 vụ chỉ còn có 4,3 triệu ha. Với dân số 85 triệu người và không lâu sau sẽ là 100 triệu người, 4,3 triệu ha sẽ rất mong manh khi mỗi năm lại có vài chục ngàn ha bị mất đi để phục vụ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, đất ở, rồi sân golf.
Đất không sinh thêm nhưng các khu công nghiệp ngày càng lớn để chứng minh cho sự phát triển của địa phương. Cứ đà này, giả sử mỗi năm Việt Nam chỉ mất 50.000 ha đất nông nghiệp thôi thì 20 năm sau chúng ta có thể mất đi 1/3 diện tích trồng lúa. Đây sẽ là thách thức lớn cho thế hệ con cháu mai sau. Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn chưa có công cụ hữu hiệu bảo vệ đất nông nghiệp. Trong những "sát thủ" của cây lúa, của nghề nông ngày càng đông, nay là sân golf, mai có thể là bóng chày hay nhiều môn thể thao quý tộc khác...". (GS.TSKH Trần Duy Quý - nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN)
Theo Hãng Reuters thì "các sân golf đang xé nát những cánh đồng lúa tại châu Á". Từ Indonesia, Thái Lan, Philippines đến Việt Nam, những cánh đồng lúa bạt ngàn ngày nào giờ đang nhường chỗ cho những dự án sân golf, biệt thự và khách sạn... Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã xây dựng khoảng 40 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 10.500 ha tại các tỉnh ĐBSCL và đang có kế hoạch sử dụng thêm 40.000 ha nữa cho các dự án công nghiệp trong thời gian tới.
Cù lao Thới Sơn nhìn từ cầu Rạch Miễu.
Du khách dạo chơi bằng
thuyền tại cù lao Thới Sơn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: