Top

Sàn giao dịch bất động sản: Hấp dẫn nhà đầu tư và khách hàng

Cập nhật 14/10/2009 13:15

Ngày càng có nhiều khách hàng đến với sàn giao dịch bất động sản  - Ảnh: Minh Tuấn

Tính đến đầu tháng 10/2009, cả nước đã có 226 sàn giao dịch bất động sản (BĐS), hoạt động của chúng đang góp phần tạo ra diện mạo mới cho thị trường BĐS. Để tồn tại và thu hút khách hàng, cuộc đua giữa các sàn cũng bước vào giai đoạn cạnh tranh thực sự.

Trên 226 sàn tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng. Tại Hà Nội, bên cạnh những sàn của doanh nghiệp lớn là chủ đầu tư dự án BĐS (Tập đoàn Nam Cường, Tập đoàn Dầu khí, Vinaconex, Tổng Cty đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, Tổng Cty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera...), hàng chục doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, dù không trực tiếp đầu tư các khu đô thị cũng hăng hái lập sàn tìm kiếm cơ hội.

Sàn phát triển kéo theo các cơ sở đào tạo về BĐS cũng tăng mạnh. Cả nước đã có 78 cơ sở được Bộ Xây dựng công nhận chuyên đào tạo môi giới và định giá BĐS, quản lý điều hành sàn giao dịch, qua đó đã có 17 ngàn giấy chứng nhận đã được cấp.
 

Sang năm, nguồn cung nhà chung cư tăng mạnh

“Giá đất tại các khu đô thị mới ở khu vực vành đai phía Tây Hà Nội và tại các vị trí quanh đường giao thông huyết mạch hiện tại và trong tương lai vẫn tăng lên nhanh” - Ngày 13/10, đề cập đến thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua đại diện Cty bất động sản CB Richarrd Ellis Việt Nam (CBRE) khẳng định.

Theo CBRE, dự kiến số lượng căn hộ nhà bàn giao sẽ tăng mạnh vào năm 2010.

Sàn giao dịch tăng lên, nhu cầu mua bán BĐS của người dân cũng được phục vụ tốt hơn. Tại các sàn lớn, người dân được thông tin khá đầy đủ về dự án, về phương thức bán, giá bán và thủ tục pháp lý khi giao dịch.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Dầu khí khẳng định giao dịch qua sàn đang là xu hướng tất yếu. “Giai đoạn chợ cóc, chợ tạm đang dần qua, thay bởi các sàn giao dịch thông tin phong phú, sản phẩm hấp dẫn, đặc biệt là sự công khai, minh bạch, đảm bảo tính pháp lý”- Ông Thắng nói.

Những sàn thuộc các doanh nghiệp lớn, lượng hàng hoá dồi dào, khoản chi phí cho sàn hoạt động không phải là vấn đề lớn. Với sàn mở ra chủ yếu làm dịch vụ môi giới cho các doanh nghiệp khác, mua đi bán lại, đầu tư thứ phát, thì phải bươn chải.

“Sức ép tài chính, các khoản chi phí gánh trên vai các sàn giao dịch nhỏ, nếu không thực sự năng động, thì rất khó cầm cự được lâu” - Ông Nguyễn Việt Thắng phân tích.

Từng bước hoàn thiện

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sức cạnh tranh của một bộ phận các sàn còn hạn chế do quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhân viên môi giới, định giá chưa thạo nghề, thiếu tính chuyên nghiệp.

Do sức cạnh tranh yếu và kiểu làm ăn chụp giật, một số sàn chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, môi giới cả các dự án BĐS chưa đủ điều kiện pháp lý, thậm chí vi phạm pháp luật.

Sức ép lên các sàn còn do quy định pháp luật về giao dịch BĐS chưa phù hợp, như quy định sản phẩm BĐS của tổ chức cá nhân kinh doanh BĐS bắt buộc phải qua sàn, còn các giao dịch của người dân thì không bắt buộc. Quy định này chưa khuyến khích người dân, tỷ lệ giao dịch qua sàn còn thấp, khoảng 20 phần trăm tổng giao dịch.

Bà Vũ Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định, Bộ Xây dựng đang lập kế hoạch tăng cường công tác hậu kiểm đối với hoạt động của các sàn, kiểm tra tính hợp pháp của giao dịch qua sàn.

Mặc dù pháp luật quy định giao dịch BĐS phải qua sàn, nhưng nhiều chủ đầu tư nấn ná tìm cách huy động vốn sớm cho dự án BĐS trước khi BĐS đủ điều kiện giao dịch qua sàn, không muốn công khai thông tin dự án, chờ đợi nghe ngóng việc thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước.

“Quản lý các sàn giao dịch là vấn đề mới nên cần có thời gian. Bên cạnh việc tăng cường công tác hậu kiểm, cần quy định một tỷ lệ hợp lý lượng hàng hóa phải qua sàn đối với từng dự án, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư được linh hoạt trong kinh doanh, để doanh nghiệp không ngại lên sàn” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong