Top

Sân bay Long Thành và thương hiệu quốc gia

Cập nhật 07/09/2015 09:09

Xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là cơ hội hiếm có để chúng ta “đóng dấu” thương hiệu quốc gia vào các công trình kiến trúc, theo KTS. Nguyễn Văn Tất, Hội Kiến trúc sư TPHCM.

Một góc phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: chinhphu.vn

Có thể chỉ định thầu?

Chính phủ đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành và chịu trách nhiệm tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi (giai đoạn 1) của dự án.

ACV cũng đã đưa ra thời gian biểu chi tiết cho dự án này: tháng 8-2015 hoàn thiện đề cương báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); tháng 10-2015 đấu thầu chọn đơn vị tư vấn FS; tháng 4-2016 công bố kết quả chọn nhà thầu tư vấn FS; tháng 7-2017 hoàn thiện FS; năm 2018 tính toán xong tổng dự toán và thu xếp vốn; năm 2019 lựa chọn đơn vị thi công; năm 2023 đưa dự án vào khai thác.

Nhưng vì muốn đẩy nhanh quá trình triển khai dự án, mới đây, ACV đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép được chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kiêm luôn phần tư vấn thiết kế cho toàn bộ dự án về sau; có nghĩa không cần tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc (nhà ga, đài kiểm soát không lưu).

Kiến nghị không tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc của ACV khiến giới kiến trúc sư trong nước lên tiếng. Trong công văn vừa gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn viết: nhà ga sân bay quốc tế Long Thành là cửa ngõ cực kỳ quan trọng của quốc gia nên kiến trúc phải chuyển tải được bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo ấn tượng cho du khách, vì vậy rất cần một cuộc thi tuyển ý tưởng kiến trúc.

Lợi ích từ phương án thiết kế tốt nhất đem lại sẽ là khổng lồ so với số tiền bỏ ra để tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng thiết kế sân bay Long Thành.
 

Trước đây, nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga quốc tế T2 sân bay Nội Bài do Quỹ tài trợ của Chính phủ Nhật Bản (JICA) làm tư vấn thiết kế (không thi tuyển phương án kiến trúc), nên kiến trúc thiếu tính dân tộc, chỉ là sản phẩm công nghiệp sao chép, theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn. “Một công trình lớn và quan trọng như nhà ga sân bay quốc tế Long Thành - dự kiến đón 100 triệu khách/năm - mà chỉ định thầu khâu tư vấn thiết kế là không ổn”, ông Sơn nói.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Hồ Hoàng Đức, Công ty Luật Phúc Đức, cho rằng việc ACV đề nghị (được) chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi kiêm tư vấn thiết kế cho toàn bộ dự án sân bay Long Thành là trái luật. Vì, theo Luật Đấu thầu, gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng chỉ được chỉ định thầu cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định (điều 22.d).

Như vậy, theo ông Đức, ACV chỉ có thể chỉ định thầu gói thầu tư vấn lập báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành trong trường hợp đã tổ chức cuộc thi tuyển thiết kế kiến trúc đối với các công trình của dự án này. Và ACV chỉ được chỉ định thầu cho người, đơn vị có thiết kế kiến trúc đoạt giải cao nhất và được lựa chọn. Nếu cá nhân, đơn vị đoạt giải không đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu thì phải tổ chức đấu thầu rộng rãi.

“Luật hạn chế chỉ định thầu, vì hình thức lựa chọn nhà thầu này rất dễ phát sinh tiêu cực”, ông Đức nói thêm.

Thi kiến trúc để “đóng dấu” thương hiệu quốc gia

KTS. Nguyễn Văn Tất cho rằng, việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là cơ hội hiếm có để chúng ta “đóng dấu” thương hiệu quốc gia vào các công trình kiến trúc. Ông nói: “Khi nói đến tháp Eiffel người ta nghĩ ngay đến nước Pháp, khi nói đến nhà hát vỏ sò (nhà hát Opera Sydney) người ta nghĩ ngay đến nước Úc... Vì vậy, nếu kiến trúc công trình nhà ga sân bay quốc tế Long Thành độc đáo thì nó có thể sẽ trở thành thương hiệu quốc gia - khi nói đến nhà ga sân bay quốc tế Long Thành người ta nghĩ ngay đến Việt Nam”.

Nhưng làm thế nào để kiến trúc công trình này trở thành một biểu tượng, hình ảnh của quốc gia? KTS. Lê Đình Quang, người từng có nhiều năm hành nghề kiến trúc tại Mỹ, cho rằng cần phải huy động chất xám và nhân tài cả trong và ngoài nước thông qua một cuộc thi quốc tế về ý tưởng thiết kế sân bay Long Thành.

Theo ông Quang, để cuộc thi này hiệu quả, tìm ra được phương án thiết kế hợp lý và kiến trúc độc đáo, thì ACV (mà cũng có thể là Bộ Giao thông Vận tải) phải mời các tổ chức kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới (chuyên về thiết kế sân bay) tham gia vào ban giám khảo để viết đầu bài và chấm giải cuộc thi. Với kinh nghiệm hơn 30 năm hành nghề của mình, ông Quang cho rằng việc mời các nhà chuyên môn tên tuổi giúp đỡ là không khó.

Tất nhiên, cuộc thi cũng phải thu hút được các công ty hàng đầu thế giới về thiết kế sân bay tham gia. Theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, các công ty tư vấn thiết kế tên tuổi của thế giới chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội này. Có thể họ tham dự không vì tiền thưởng mà vì danh tiếng.

Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM (đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi ý tưởng thiết kế đô thị), nhận định: khi tổ chức cuộc thi quốc tế về ý tưởng thiết kế sân bay Long Thành, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý tưởng được đưa ra. “Các ý tưởng đa dạng từ các kiến trúc sư trong và ngoài nước sẽ giúp chúng ta tìm ra phương án tốt nhất cho nhà ga sân bay Long Thành - một sân bay hiện đại, thuận tiện, hài hòa, không lỗi thời trong tương lai... và đáp ứng tính dân tộc”, ông Thụ nói.

Theo ông Quang, kinh nghiệm từ thành công của các nhà ga sân bay nổi tiếng trên thế giới như nhà ga sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc, nhà ga sân bay quốc tế Bắc Kinh của Trung Quốc, nhà ga sân bay quốc tế Los Angeles của Mỹ... cho thấy lợi ích từ phương án thiết kế tốt nhất đem lại sẽ là khổng lồ so với số tiền bỏ ra để tổ chức cuộc thi. Mà thực ra, số tiền tổ chức cuộc thi so với tổng vốn đầu tư của dự án sân bay quốc tế Long Thành, theo ông, là không lớn.

Hơn nữa, việc tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết kế sân bay quốc tế Long Thành, theo KTS. Ngô Viết Nam Sơn, không chỉ đem lại hiệu quả trong thiết kế nhà ga sân bay mà các ý tưởng được đưa ra trong cuộc thi sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về dự án này - trong đó có cả vấn đề quy hoạch kết nối mạng lưới giao thông và phát triển hạ tầng các đô thị vệ tinh quanh sân bay.
 

Nguồn vốn đầu tư dự kiến

Theo kiến nghị của ACV với Bộ Giao thông Vận tải, thì:

- ACV sẽ làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn tự có đối với công trình nhà khách, trung tâm y tế, khí tượng, cứu hỏa...

- Vốn ODA và ngân sách sẽ đầu tư vào các hạng mục không có khả năng sinh lời như hầm kỹ thuật, đường trục, san lấp mặt bằng, đài chỉ huy và tòa nhà khai thác.

- Ga hành khách và nhà đậu xe thuộc nhóm công trình dùng vốn vay ưu đãi hoặc hợp tác công tư (PPP).

- ACV cùng các doanh nghiệp bên ngoài tham gia đầu tư ga hàng hóa, thành phố sân bay, khu kỹ thuật hàng không, tra nạp nhiên liệu, cung cấp suất ăn...

- Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhận hạng mục đài kiểm soát không lưu.

Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai trên diện tích đất 5.000 héc ta tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có 2.750 héc ta đất xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay; 1.050 héc ta dành cho quốc phòng; 1.200 héc ta dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không cùng các công trình thương mại khác.

Đây sẽ là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG