Những tháng gần đây, dọc tuyến Quốc lộ 51, đoạn từ đường dẫn xuống cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây đến khu vực giáp ranh thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều tuyến đường quanh huyện Nhơn Trạch và Long Thành nhan nhản cò đất đứng vẫy chào khách.
Qua tìm hiểu tại nhiều sàn môi giới nhà đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cho thấy khi có thông tin các dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng trong tương lai thì giá nhà, đất tại nhiều xã thuộc 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch tăng vọt từng ngày. Bất động sản sôi động trở lại, kéo theo đội ngũ “cò” đất hoạt động rầm rộ, tung nhiều chiêu để kiếm được những “hợp đồng” béo bở.
Dẫn chúng tôi đi khắp xã Bình Sơn - nơi giáp ranh với vị trí xây dựng sân bay, cò đất Mạnh Hùng cho biết so với thời điểm năm 2015 - tức thời điểm thông tin về dự án sân bay vẫn chưa được rõ ràng, giá một lô đất có diện tích 1ha chỉ khoảng 2-4 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay thời điểm này giá đất "bỏng rát" tay, khoảng 12 tỷ đồng/lô bao luôn giấy tờ "lên đời" từ đất nông nghiệp thành thổ cư. Đối với nhà phố dọc các tuyến đường lớn ở xã, cách đây gần 2 năm chỉ chào bán khoảng 800-900 triệu đồng/căn có diện tích 1.000m2, thì nay đã tăng lên đến 4-8 tỷ căn tùy vị trí.
Một môi giới khác ở khu vực này tên Hằng còn tư vấn về một dự án nằm trên tuyến đường huyết mạch ĐT 769, là trục chính vào sân bay Long Thành và kết nối với Tp.HCM, cho rằng tuyến đường này sẽ mở rộng lên 60m. Hơn một năm trước giá một lô đất có diện tích 100-500m2 ở dự án này được bán với giá 700 triệu đến 1 tỷ đồng/nền thì nay đã tăng lên hơn 4 tỷ đồng, đa phần là mua lại từ những khách hàng đã mua trước đây.
"Hàng ngày thông tin sân bay luôn là chủ đề rất nóng trong giới cò đất, hầu như 100% bảng quảng cáo nhà đất đều ăn theo dự án này để lôi kéo khách hàng", chị Thu Ba, môi giới tại công ty địa ốc TTH (Nhơn Trạch), cho biết.
Đa số môi giới địa ốc nơi đây đều cho rằng, gần đây giá đất nền tại nhiều khu vực càng gần sân bay đã tăng gấp 3-4 lần so với vài năm trước; nhiều lô 3 năm trước đây chỉ 500-600 triệu đồng, nay đội lên khoảng 4-6 tỷ đồng, nhiều dự báo cho thấy giá đất ở đây đang tiếp tục tăng cao do các tay đầu nậu đã gom nhiều khu đất có diện tích khá lớn. Chính vì giá đất tăng nên ngày càng có nhiều nhà môi giới vào cuộc. Trong 10 ngày, thậm chí một tháng, chỉ cần môi giới thành công một giao dịch thì “cò” có thu nhập rất khá bởi chi phí bỏ ra không bao nhiêu nhưng hoa hồng khá cao.
Để tạo sự chú ý, hàng trăm bảng quảng cáo được treo đầy các cột điện, chưa kể đội ngũ “cò” đất đông đảo còn chặn xe, rồi gí vào tay người qua đường những tờ rơi, lời chào mời hấp dẫn. Chỉ cần có được số điện thoại hoặc bất cứ thông tin gì của những khách hàng nào hỏi mua đất hay có ý định thăm dò thị trường, các “cò” sẽ đeo bám và không chịu buông tha.
“Cò” Minh Nghĩa, tự xưng là phó giám đốc một sàn giao dịch tại Biên Hòa mời chào một dự án với thông tin không chỉ được sở hữu căn nhà ở vị trí đắc địa, người mua còn có cơ hội nhận 5-10 chỉ vàng SJC, tặng thẻ cào với nhiều tiện ích, như: sổ hồng chính chủ, thổ cư 100%, nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Khi thấy chưa đủ sức thuyết phục “con mồi”, “cò” này còn tung chiêu, mua nhà ở đây khả năng trúng xe hơi “xịn”, một căn nhà khác, xe máy SH… rất cao, khiến người nghe không thể cưỡng lại được
Theo quan sát, gọi là văn phòng (hoặc sàn) là do không ít các điểm này đều gắn “mác” văn phòng, hoặc sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, thực tế, đa phần đây chỉ là căn phòng nhỏ xíu, dựng tạm trên vỉa hè dẫn vào các dự án, phía trên lợp tôn, phía dưới vừa đủ kê một cái bàn, một máy tính xách tay và vài ba cái ghế; có nơi thậm chí còn dùng thùng container cải tạo làm văn phòng, trung tâm giao dịch nên trông chẳng giống ai và nhếch nhác… Chỉ riêng trên đoạn đường ngắn ở khu đô thị sinh thái ĐX, vừa qua khỏi giao lộ QL 51 và ĐT769, chúng tôi đếm được gần 100 điểm giao dịch BĐS theo kiểu như vậy.
Người dân cho hay, do giá đất ở đây đang tăng cao nên nhiều người nhận thấy việc làm “cò” đất vừa khỏe vừa cho thu nhập cao nếu gặp may mắn. Có những người chưa bao giờ làm nghề này, không hiểu biết về giá cả thị trường hay chuyện làm ăn vẫn rủ nhau đi làm “cò”.
Họ chủ yếu là dân địa phương hay chủ các quán ăn, cà phê ven đường. Không khó để nhận thấy phần lớn họ là những “cò” mới nổi, bởi chỉ cần đến chỗ nào hỏi đang bán đất, giá khoảng bao nhiêu thì người mua sẽ được chỉ bảo vào một quán ăn hay quan nước gần đấy gặp một "cò" chính hiệu đang đợi để tư vấn và cung cấp thông tin.
Vào một “văn phòng” dịch vụ nhà đất tại xã Long An (Long Thành), tiếp chúng tôi là hai ông bà (khoảng 50, 60 tuổi) với một cuốn sổ nhỏ trên bàn. “Bác cho cháu hỏi ai làm dịch vụ nhà đất ở đây ạ?” “Gia đình tự làm ấy mà; có mặt bằng để chẳng làm gì, mở dịch vụ làm cho vui”.
Sau khi biết tôi muốn nhờ bán căn nhà, ông vội vào trong khoác cái áo lên người và ngồi vào bàn làm việc. Sau khi hỏi han chi tiết căn nhà của tôi, ghi lại đầy đủ địa chỉ, ông hứa sẽ giới thiệu người tới mua với mức hoa hồng 2%. Ngoài ra, ông còn hứa tìm cho tôi thuê một căn nhà khác với giá vừa ý. Một công việc thật đơn giản, chóng vánh.
Theo lời ông Tân, "giám đốc" một sàn môi giới, ở Đồng Nai nhiều năm qua nghề cò đất có thể được xem là nghề "hái" ra rất nhiều tiền. Có người vào “nghề” rất tự nhiên. Sau khi đi mua nhà cho mấy đứa con, dạo lui dạo tới nhiều nơi, rành rẽ mọi chuyện về đất đai và thế là quay sang làm dịch vụ.
Có người chỉ chuyên đi “chỉ chỏ” cho một số nơi, cuối cùng cũng trở thành “nhà môi giới” nhà đất lúc nào không hay. Bên cạnh đó, chính việc quản lý có phần lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đã khiến thị trường nhà đất, và các dịch vụ ăn theo trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Ngoài một số ít công ty, doanh nghiệp, nhiều dịch vụ nhà đất tự phát không có giấy phép vẫn hoạt động bình thường.
Đại diện văn phòng giao dịch dịa ốc Long Hưng Phú cảnh báo: “Người mua nên tỉnh táo trước các “chiêu trò” của giới môi giới, bởi hiện tượng “thổi” giá thị trường luôn xuất hiện khi có khách giao dịch. Chẳng hạn, khi có khách giao dịch thì “cò” điện thoại cho “nhóm” của mình cử 3, 4 người cùng đến hỏi mua đất nền khu đó, rồi giả vờ đẩy giá vượt qua giá trị thật, khiến người mua không biết đâu mà lần, dẫn đến việc mua “hớ”.
Bên cạnh đó, khách hàng còn gặp trường hợp mua đất qua nhiều đối tác, từ B đến B1, B2…; sau cùng mới đến tay người tiêu dùng. Bởi giới “cò” luôn lùng sục, tìm hiểu các lô đất nền từ nhà đầu tư, thậm chí lấy thông tin trên mạng rồi rao bán lại, nếu ai trả giá cao hơn thì bán, vừa hưởng hoa hồng, vừa hưởng chênh lệch giá”.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp sống kinh tế
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: