Nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các công trình nhà ở cao tầng được nhắc tới nhiều trong thời gian qua và đặc biệt nóng hơn sau vụ hỏa hoạn diễn ra tại tháp Grenfell cao 24 tầng ở thủ đô London của Anh.
Thảm họa như Greenfell sẽ không xảy ra nếu chủ đầu tư có trách nhiệm hơn với dự án và khách hàng của mình |
Hàng loạt dự án vi phạm
Vụ cháy Grenfell để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến hàng chục người thương vong. Sự bức xúc của cư dân, cũng như nhiều người càng gia tăng khi biết thông tin những thiệt hại nặng nề từ vụ hỏa hoạn xuất phát từ sự tắc trách của chủ đầu tư dự án.
Không chỉ xây dựng duy nhất một lối thoát hiểm, mà vài ngày trước khi hỏa hoạn xảy ra, theo tờ The Independent dẫn tài liệu về kế hoạch tân trang tòa nhà của chủ đầu tư cho thấy, đơn vị đã đề xuất giải pháp tấm che thay vì vật liệu khác để tân trang tòa nhà Grenfell, giúp nó trông sáng sủa hơn mà lại không quá tốn kém. Chính điều này đã góp phần khiến ngọn lửa lan rộng.
Điều đáng nói hơn cả,trước đó chỉ mấy tháng, nhóm hành động vì Grenfell (GAG) - một nhóm các cư dân sống tại Grenfell - đã từng đưa ra cảnh báo một lối thoát hiểm như vậy là quá nguy hiểm và sẽ thành thảm họa nếu có cháy nổ xảy ra. Tuy nhiên, những cảnh báo này đã bị chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà phớt lờ.
Câu chuyện xứ người, nhưng vô cùng gần gũi với tình hình tại Việt Nam, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội. Chỉ cần nhìn báo cáo kết luận mới đây do Đoàn Thanh tra liên ngành của Hà Nội thực hiện gửi UBND TP. Hà Nội (chỉ ít ngày sau khi xảy ra Grenfell) có thể thấy tình trạng đáng lo ngại ra sao.
Kết quả cho biết, trong số 50 dự án được lựa chọn ngẫu nhiên để thanh tra, có 38 dự án sai phạm về quy hoạch, xây dựng như xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng… Trong đó, có 15 dự án sai phạm về xây dựng, quy hoạch ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy hoặc còn vướng mắc về nộp tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Một số chủ đầu tư được nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng đã tự ý chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư thứ cấp không đúng quy định.
Điển hình các dự án có sai phạm như khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) do Công ty TNHH Capitaland Hoàng Thành làm chủ đầu tư, chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng từ 992 lên 1.478 căn. Đến thời điểm thanh tra, Công ty chưa nộp phí xây dựng theo Kết luận 10660 do Sở Xây dựng ban hành tháng 12/2014.
Tiếp đến là dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư 135 làm chủ đầu tư, đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Hay Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Thiết bị vật tư Hà Nội 1, chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thì tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Còn dự án khu nhà ở Mễ Trì do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 68 làm chủ đầu tư chưa được nghiệm thu tổng thể phòng cháy chữa cháy, chưa nộp đủ tiền chênh lệch giữa giá thành và giá trị xây dựng đối với 46 căn thấp tầng theo số tiền tạm tính của cục thuế, tự ý bán 10 căn hộ cho Quỹ đầu tư phát triển khi chưa được UBND Thành phố chấp thuận, tự điều chỉnh tăng số lượng căn hộ cao tầng, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Tại chung cư Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân của Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, công trình sử dụng khi chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, còn có thể kể đến một số dự án khác như dự án toà nhà chung cư - trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung, Hà Đông của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Bình Vượng tự ý xây tăng thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội tự ý điều chỉnh tăng số lượng căn hộ tại các tầng, xây thêm 1 tầng hầm tại dự án ở Khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên; Công ty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penthouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án 88 Láng Hạ...
Chủ đầu tư hãy đặt lợi ích cư dân lên hàng đầu
Theo chia sẻ của ông Hồ Hồng Hà, Tổng giám đốc Long Giang Land, đơn vị đang triển khai dự án Rivera Park tại Hà Nội, có thực tế, hỏa hoạn không loại trừ bất cứ công trình nào, nhưng chắc chắn các dự án chung cư cao tầng nếu không may xảy ra cháy nổ, thì việc chữa cháy là rất khó khăn và hậu quả có thể rất bi thảm. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ giảm bớt nếu chủ đầu tư chú trọng tới công tác thiết kế và chất liệu xây dựng.
Trong đó, ngoài việc tuân thủ đúng các tiêu chuẩn thiết kế để đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy, thoát hiêm, thang máy khẩn cấp vận hành đúng chức năng nhiệm vụ, thì việc lựa chọn các vật liệu xây dựng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao cũng là cách thức giảm thiểu những phát sinh từ ban đầu, tránh việc đám cháy lan rộng.
Chẳng hạn, việc lựa chọn công nghệ kính phủ với 3 lớp cách nhiệt, chân không và kính trắng không phủ được nhiều chung cư cao cấp tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc có tác dụng cách nhiệt, cách âm, không bắt lửa, đồng thời ngăn chặn cả những bức xạ nhiệt… Ngoài ra, sử dụng công nghệ gạch không nung, hoặc các sản phẩm cách nhiệt tiêu chuẩn khác cũng có thể giảm thiểu những rủi ro khi hỏa hoạn xảy ra.
"Việc đầu tư vào các công nghệ này khiến giá thành đội lên, nhưng bù lại, chất lượng công trình được đảm bảo, cư dân được an tâm về cháy nổ mỗi khi có rủi ro ngoài dự tính xảy ra", ông Hà nói và cho biết thêm, dù gì vẫn phải chú trọng đặc biệt vào hệ thống báo cháy và chữa cháy thì mới hạn chế tối đa rủi ro cho người dân. Đặc biệt, không thể bàn giao cho người dân khi mọi các hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được hoàn thiện và bàn giao.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP-Invests cho biết, thành công của một dự án bất động sản không phải bán được bao nhiêu sản phẩm, mà là thu hút được bao nhiêu người về ở.
Bỏ cả đống tiền, họ có quyền đòi hỏi về chất lượng, về sự an toàn khi về đây sinh sống. Trong đó, vấn đề phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng, bởi nó liên quan mật thiết tới tính mạng của con người. Nếu chủ đầu tư chỉ vì chạy theo lợi nhuận, tự ý thay đổi thiết kế, tự ý bớt xén các lối thoát hiểm hay bớt vật liệu, thay bằng kém chất lượng, dễ cháy nổ, thì rõ ràng người mua nhà sẽ thiệt thòi. Hệ quả, chính doanh nghiệp sẽ vấp phải sự phản đối của cư dân và thương hiệu của chủ đầu tư sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu muốn làm dự án tiếp theo.
“Do đó, để tạo niềm tin cho người mua nhà về dự án của mình, thì điều quan trọng nhất là phải "nói thật, làm đúng", thậm chí có thể làm nhiều thứ hơn để ưu tiên lợi ích trực tiếp của người mua nhà. Khi đó, dự án chỉ có hấp dẫn hơn, dễ bán hơn vì sẽ có nhiều người tìm đến mua. Khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn trước sự chuẩn bị chu đáo của chủ đầu tư cho cư dân không chỉ ở các điều kiện sống mà ngay cả trong các tình huống xấu”, ông Hiệp nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: