Top

‘Rút hầu bao’mua nhà năm 2017: Những cảnh báo không thừa

Cập nhật 05/01/2017 10:54

Năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với nhiều giao dịch thành công. Tuy nhiên, năm 2016 cũng chứng kiến không ít những rủi ro với người mua nhà và được nhiều khách hàng lưu ý khi “rút hầu bao” chọn mua nhà trong năm 2017.

Dự án thế chấp ngân hàng, cư dân “ngã ngửa”

Sự việc tại dự án The Harmona (Tân Bình), chủ đầu tư dự án này đã mang nhiều căn hộ thế chấp cho ngân hàng đã tạo ra “cơn địa chấn” cho thị trường bất động sản năm 2016.

Theo văn bản của Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Sài Gòn nêu rõ, do Công y cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 3, Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh (tức chung cư Harmora) để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty cổ phần Thanh Niên. Hiện khoản nợ vay của công ty Thanh Niên đã quá hạn nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.

Nhà băng này yêu cầu Công ty Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình và ban quản lý chung cư Harmona phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao tài sản đảm bảo trước khi chưa có người sử dụng, cư trú cho ngân hàng.

Dự án thế chấp ngân hàng trở thành một trong những sự kiện “đốt nóng” thị trường bất động sản 2016.

Nhiều cư dân sinh sống tại dự án này “ngã ngửa” khi hay tin tòa nhà đã bị đem thế chấp, thậm chí đang trong tình trạng bị cảnh báo thu hồi tài sản để siết nợ.

Mặc dù sau đó chủ đầu tư đã thực hiện cam kết trả nợ cho ngân hàng nhưng đây vẫn được xem là “cơn địa chấn” trên thị trường bất động sản năm 2016.

Sau đó, Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh đã lần đầu tiên công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng. 1 tuần sau, Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hà Nội cũng công bố danh sách 34 dự án trên địa bàn Thủ đô cũng đang trong tình trạng “cắm” nhà băng.

Trong danh sách hơn 100 dự án được nêu tên có khá nhiều đại gia ngành BĐS như Him Lam tại dự án Riverside lô A3, Quốc Cường Gia Lai tại khu dân cư 6B thuộc Khu đô thị Nam thành phố (huyện Bình Chánh), Công ty Nam Long thế chấp khu dân cư ở phường An Lạc (Bình Tân), Công ty địa ốc Hoàng Quân cũng thế cấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh…


Đã có hơn 100 dự án được công khai thông tin thế chấp ngân hàng trong năm 2016.

Còn tại Hà Nội, cũng nêu tên nhiều “đại gia” BĐS như: Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest thế chấp quyền sử dụng đất khu đất ở quận Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (Khu A, B Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp 1 phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Công ty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Mỗ Lao, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Việt (KĐTM Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất…

Việc công bố danh sách với không ít ông lớn và các dự án đình đám đã gây ra cú sốc lớn cho thị trường. Bên cạnh những điểm tích cực thì động thái cũng gây ra nhiều tranh cãi. Trong đó nhiều chuyên gia đã lên tiếng trấn an thị trường giải thích việc thế chấp dự án để vay vốn là điều hết sức phổ biến trong kinh doanh bất động sản – vốn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Nhưng từ sự việc tại chung cư The Harmona, vấn đề dự án thế chấp ngân hàng cũng là bài học lưu ý cho người mua nhà khi “xuống tiền” tại các dự án.

Nguy cơ cháy nổ ám ảnh người mua nhà

Năm 2016 đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn chung cư, nhà dân đặt ra nhiều lo lắng cho khách hàng về sự an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các công trình cao tầng.

Tại Hà Nội, hàng loạt vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các chung cư từ cao cấp đến bình dân. Vào khoảng 23 giờ đêm ngày 31/10, một đám cháy đã bất ngờ bùng phát tại tầng 8 CT2 chung cư Rainbow (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai - Hà Nội) khiến khói đen ngùn ngụt bốc theo các hành lang. Hàng trăm người đã phải hốt hoảng, bỏ chạy xuống dưới ngay trong đêm. Điều đáng nói, Rainbow Linh Đàm được Công ty cổ phần BIC Việt Nam, chủ đầu tư, quảng cáo là chung cư cao cấp thiết kế hài hòa, hiện đại và thân thiện với môi trường.


Hàng loạt công trình nhà cao tầng không đảm bảo về PCCC trên địa bàn Hà Nội được công khai.

Mới đây, vụ cháy xảy ra tại tòa nhà CT1B1 khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) khiến người dân hoảng loạn.

Tại TP Hồ Chí Minh, vào giữa tháng 7/2016, vụ hỏa hoạn lúc giữa đêm tại chung cư HQC Hoàng Quân (Bình Chánh) khiến cho hàng trăm hộ dân tại đây khiếp đảm. Chủ đầu tư sau đó cũng thừa nhận chung cư này chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC.

Trước thực tế trên, vào đầu tháng 8, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, công bố 38 công trình không đảm bảo PCCC trong tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng trên địa bàn (trong đó có 916 công trình đã đưa vào hoạt động, 151 công trình đang thi công, 8 công trình đang tạm dừng hoạt động).

Điều đáng chú ý là trong số 38 công trình được công bố có tới 15 chung cư, tòa nhà, công trình đang thi công - đơn vị chủ quản là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Trên thực tế, không ít những vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các chung cư của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản khiến cư dân không khỏi lo lắng.

Để đảm bảo an toàn trong chính ngôi nhà của mình mua khách hàng cần quan tâm đến các yếu tố an toàn như nghiệm thu công trình, công tác phòng cháy chữa cháy…

Tháng 10 vừa qua, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội tiếp tục “điểm mặt” 18 nhà cao tầng vi phạm về PCCC trên địa bàn thủ đô như tòa HH1 (đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Alaska, chung cư N09B2 (KĐTM Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) của Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm, chung cư OCT2- Xuân Phương (Khu đô thị chức năng Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) của Công ty Đầu tư hạ tầng và đô thị Viglacera – Chi nhánh Tổng công ty Viglacera – CTCP…

Theo số liệu của Sở Cảnh sát Phòng cháy TP.Hồ Chí Minh, thì mới chỉ có 366 trong số 682 chung cư (chiếm 53,6%) đã được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy, còn lại đều chưa được nghiệm thu.

Nêu lên nhận định về tình hình thị trường bất động sản trong năm 2017 và 5 năm tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, tình hình đảm bảo an toàn và xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến phức tạp. Trước hết là an toàn PCCC và các tranh chấp hầu hết xảy ra tại các chung cư bình dân và các chung cư cũ.

Đây cũng là một trong những lưu ý hàng đầu của nhiều khách hàng trước khi “rút hầu bao” mua nhà. Để đảm bảo an toàn trong chính ngôi nhà của mình mua khách hàng cần quan tâm đến các yếu tố an toàn như nghiệm thu công trình, công tác PCCC…

Những dự báo táo bạo cho thị trường bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra những dự báo về thị trường bất động sản 2017 và giai đoạn 5 năm tới.

Theo HoREA, thời gian tới thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Làn sóng M&A, xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh….

Bên cạnh đó, Hiệp hội cho rằng, hiện nay cũng đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường bất động sản như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng...

“Tình hình đảm bảo an toàn, xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến phức tạp. Trước hết là an toàn phòng cháy, chữa cháy, và các tranh chấp trong chung cư hầu hết xảy ra tại các chung cư bình dân, các chung cư cũ” – HoREA đưa ra cảnh báo.



DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet