Top

TP.HCM chi 4.260 tỉ đồng làm 115 dự án nhóm C

Cập nhật 05/01/2017 09:52

 Lĩnh vực giáo dục có 37 dự án, y tế có sáu dự án, đầu tư cho giao thông 11 dự án, mảng văn hóa thể thao và xã hội 14 dự án, khoa học công nghệ một dự án, môi trường 9 dự án, nông nghiệp 3 dự án…

Ngày 4 – 1, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định về chủ trương đầu tư đối với 115 dự án nhóm C sử dụng vốn cân đối ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 4.260 tỉ đồng.

Dự án nhóm C là những công trình có tổng vốn đầu từ 120 tỉ đồng trở xuống. Trong 4.260 tỉ đồng thì ngân sách TP.HCM sẽ chi 3.960 tỉ đồng, nguồn vốn khác khoảng 299 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành tùy theo từng dự án, chậm nhất đến năm 2020.

Theo đó, chủ đầu tư các dự án phải căn cứ chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, có trách nhiệm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư. Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện, báo cáo UBND TP.HCM.

Trường THCS Thạnh An ở Cần Giờ sẽ được đầu tư gần 45 tỉ đồng để nâng cấp thành trường THCS-THPT Thạnh An

Trong 115 dự án, lĩnh vực giáo dục chiếm phần lớn với 37 dự án, tổng vốn đầu tư 1.192 tỉ đồng. Công trình điển hình ở lĩnh vực này là dự án nâng cấp mở rộng trường THCS – THPT Thạnh An ở xã đảo Thạnh An, huyện  Cần Giờ.

Trường mới sẽ xây dựng 6 phòng học, các phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ với tổng vốn đầu tư gần 45 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ 2017 – 2019. Hồi tháng 4 năm ngoái, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến thăm xã đảo Thạnh An, đã chỉ đạo huyện Cần Giờ phải xây dựng một trường THPT tại đây.

Ngoài ra, đầu tư cho y tế có 6 dự án, giao thông 11 dự án, mảng văn hóa thể thao và xã hội 14 dự án, khoa học công nghệ một dự án, môi trường chín dự án, nông nghiệp ba dự án…

Hiện tại, tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020 chỉ còn được hưởng 18% nên nhiệm vụ thu chi ngân sách ở TP.HCM ngày càng khó khăn.

Sắp tới, TP.HCM sẽ rà soát, sắp xếp các địa chỉ nhà đất để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bán chỉ định và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản theo các phương án đã được phê duyệt với 1.033 mặt bằng nhà đất. Trong đó, tài sản do UBND TP.HCM quản lý là 245 mặt bằng, UBND các quận huyện 788 mặt bằng.

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư. Sau đó có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được cho cư dân để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng, tránh xuống cấp gây lãng phí.

Việc tiết kiệm chi cũng được đặt ra nghiêm ngặt để đầu tư công. Trong năm 2017, cần thực hiện phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công bám sát theo dự toán được duyệt, đúng thẩm quyền.

TP.HCM cũng sẽ triển khai giải pháp tiết kiệm ngân sách như khoán sử dụng xe công tại các đơn vị. Sử dụng các loại hình dịch vụ cho thuê tài sản đối với các trang thiết bị, tài sản cố định để phục vụ công tác chuyên môn.

Đồng thời, sẽ mở rộng đấu thầu các hoạt động cung ứng dịch vụ công ích như duy tu cầu, đường, chiếu sáng vệ sinh môi trường...


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP