Top

'Rừng' thủ tục nhà đất hành dân

Cập nhật 21/04/2018 08:22

Quy trình nhiêu khê, mỗi nơi thực thi một kiểu, quy định ban hành nhưng không thực hiện... đang khiến người dân khốn khổ khi đi làm thủ tục nhà đất.

Hàng loạt thủ tục hành chính khiến người dân vô cùng khó khăn. ẢNH: ĐỘC LẬP

Đó là nhận định của HĐND TP.HCM tại buổi chất vấn với UBND TP liên quan đến vấn đề đất đai ngày 20.4.

Tồn hàng ngàn hồ sơ tách thửa

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho biết hiện nay ở TP diện tích đất quy hoạch hai chức năng: đất hỗn hợp (khu dân cư cũ) và đất dân cư xây dựng mới (khu dân cư mới) có khá nhiều. Trong 24 quận, huyện, chỉ riêng có Q.10 không có 2 loại đất này. Tổng diện tích đã lập đồ án quy hoạch phân khu toàn TP hiện lên đến hơn 82.000 ha, với hàng trăm ngàn hộ dân. UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 60 về tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất... và Quyết định 26 về cấp phép xây dựng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân khi có nhu cầu làm thủ tục nhà đất.

Một quy định pháp luật mà chính cơ quan quản lý nhà nước mỗi nơi hiểu một cách là không thể chấp nhận được, không thể nào chấp nhận được

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm
 
Tuy nhiên, giữa các quận, huyện có sự khác biệt trong cách làm. Có nơi không cho tách thửa. không cấp phép xây dựng; có nơi cho tách nhưng chỉ cấp phép tạm thời (có thời hạn); có nơi cho chuyển mục đích sử dụng, nhưng có nơi không cho; có nơi cho cấp phép xây dựng chính thức... “Trước thiên la địa võng thủ tục như thế, người dân không biết đâu mà lần”, ông Kiên nhận xét.

Quá trình khảo sát, HĐND TP còn ghi nhận nhiều ý kiến than phiền trước những quy định gần như bất khả thi. Như các quy định không xác định thời điểm lúc nào là “rà soát quy hoạch”, “phê duyệt quy hoạch”. Chưa kể, việc níu kéo nhiều sở ngành khiến việc quản lý tách thửa, cấp phép xây dựng... phát sinh thêm thủ tục, kéo dài thời gian thụ lý hồ sơ. Hiện riêng Bình Chánh, Hóc Môn đã tồn hơn 1.000 hồ sơ tách thửa vì có liên quan đến đất quy hoạch dân cư xây mới và đất quy hoạch hỗn hợp.

Nhận định người dân quá khổ sở vì thủ tục nhà đất “mỗi nơi một kiểu”, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị “phải xóa đi tư duy nhiệm kỳ, lãnh đạo đương nhiệm phải giải quyết dứt điểm, phải xem đó là một thách thức và giải quyết cho bằng được, không nên để người dân khổ thêm nữa”.

Phó trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM Nguyễn Minh Nhựt đề nghị phải sớm giải quyết dứt điểm các quy định chồng chéo hiện nay, vì “nhiều khu dân cư đang bị rối loạn chức năng, người dân bức xúc, chính quyền địa phương bối rối”.

Hứa giải quyết

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: “Việc mỗi nơi mỗi kiểu thủ tục như thế có vi phạm pháp luật không?”. Khẳng định quy hoạch để phát triển bền vững là một yêu cầu thực tế, nhưng theo bà Tâm, cách làm hiện nay chưa ổn, chưa rạch ròi. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân rất bức bách. Cả đời họ tích cóp xây được cái nhà nhưng rơi vào tình cảnh quy hoạch “treo”. Rồi TP buộc họ cam kết là sẽ tháo dỡ và không được yêu cầu đền bù, là gây thiệt thòi cho người dân.

Trước vấn đề “nóng” của phiên chất vấn, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, chỉ “ghi nhận và cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất”.

Bà Tâm yêu cầu điều chỉnh chức năng đất khi thực hiện quy hoạch phải làm cho người dân ở trong loại đất đó có quyền gì, được làm gì? Chứ đất gì cũng không biết rồi phải lo đi xin, lo đi chạy rất khổ.

“Một quy định pháp luật mà chính cơ quan quản lý nhà nước mỗi nơi hiểu một cách là không thể chấp nhận được, không thể nào chấp nhận được”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc và yêu cầu phải sớm tháo gỡ các vướng mắc để giải quyết cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết sau gần 4 tháng ban hành Quyết định 60, Sở đã nhận được 4 hồ sơ xin tách thửa ở H.Củ Chi trình lên nhưng toàn là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm... không có giao thông kết nối mà vẫn xin phân lô, tách thửa nên Sở đã trả hồ sơ về. Hiện TP rất đau đầu về phân lô bởi phải phân thế nào để không phá vỡ quy hoạch. Lãnh đạo TP đã đi kiểm tra một số quận huyện, khi đến nơi mới thấy hạ tầng không kết nối, thậm chí nhiều nơi không có đường, không có cây xanh...
“Mình không kiểm soát được gì cả nên phải quản lý bằng quy hoạch 1/500, tăng cường thiết kế đô thị, quy chế quản lý đô thị từng khu phố, ngõ hẻm để giải quyết tách thửa. Sở Xây dựng quyết định tăng cường sử dụng lộ giới hẻm để cấp phép cho phân lô. Hiện nay chưa có thủ tục hành chính về tách thửa, nên các địa phương và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang làm theo quy chế phối hợp nên có thể không cần mất 15 ngày mà chỉ cần 2 ngày là giải quyết xong cho dân về tách thửa”, ông Toàn cho hay.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên