Top

Quy định chứng chỉ môi giới BĐS... chỉ là trên giấy?

Cập nhật 18/03/2016 13:50

Quy định mới đây của Bộ Xây dựng về việc nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) phải dự thi sát hạch, có chứng chỉ mới được hành nghề nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận. Tuy nhiên, liệu quy định này có đưa được hoạt động môi giới BĐS vào khuôn khổ hay không vẫn là điều cần bàn.

Hoạt động môi giới BĐS cần được siết chặt hơn.

 Chưa học vì...chưa cần thiết

Giai đoạn thị trường BĐS “sốt nóng” những năm 2008 - 2011, rất nhiều người đang làm những công việc như nhân viên văn phòng, buôn bán hay thậm chí cả... nội trợ đã chuyển qua làm môi giới BĐS cho các sàn giao dịch. Giá nhà bị đẩy lên cao chót vót, nên chỉ cần môi giới mua bán thành công, những “cò” tay ngang này đã có thể nhận được hàng chục triệu đồng tiền hoa hồng. Sự phát triển bùng nổ thiếu kiểm soát đó đã góp phần khiến thị trường sốt ảo rồi đóng băng.

Việc quản lý chặt chẽ hoạt động môi giới BĐS được đặt ra như một yêu cầu tất yếu để thị trường phát triển theo hướng bền vững. Do đó, Bộ Xây dựng đã đưa ra Thông tư 11/2015/TT - BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, có hiệu lực từ ngày 16/2, trong đó yêu cầu người môi giới BĐS phải thi sát hạch để nhận chứng chỉ hành nghề nhằm thắt chặt hoạt động môi giới BĐS.

Trước đây, việc lấy chứng chỉ chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của các nhân viên môi giới do quy định mỗi sàn chỉ cần có tối thiểu 2 người có chứng chỉ. Do vậy, trên thực tế, số nhân viên có chứng chỉ của các sàn chỉ chiếm số ít. Đến nay, sau một tháng thông tư có hiệu lực, nhiều nhân viên các sàn vẫn chưa mặn mà đi học để lấy chứng chỉ.

Chị Nguyễn Hạnh (sinh năm 1992, quê Hải Dương) đã kí hợp đồng ngắn hạn làm việc tại sàn giao dịch BĐS STDA. Chị Hạnh cho biết: “Sàn chưa bắt buộc các nhân viên phải có chứng chỉ nên chúng tôi chưa đi học. Hơn nữa, khi làm việc, khách cũng không yêu cầu chúng tôi phải có chứng chỉ”.

Bản thân các sàn cũng chưa cảm thấy một áp lực nào để buộc nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề. Chia sẻ với Tin Tức, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5 cho biết chưa thống kê được số nhân viên môi giới có chứng chỉ của sàn mình do đặc thù nghề này không ổn định, nhân viên thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, Bộ Xây dựng không đưa ra chế tài xử phạt đối với các trường hợp môi giới BĐS không có chứng chỉ, nên sàn giao dịch này cũng chưa có kế hoạch đào tạo cho nhân viên, do thấy... “chưa thực sự cần thiết”.

Khó đi vào cuộc sống

Tại các cơ sở đào tạo nhân viên môi giới BĐS, nhu cầu đăng kí học vẫn không tăng đột biến sau khi Thông tư 11/2015/TT-BXD có hiệu lực. Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Sở giao nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS cho trường Trung cấp xây dựng thành phố. Đơn vị này thường xuyên mở các khóa thi sát hạch, cấp chứng chỉ. Từ khi thông tư của Bộ Xây dựng có hiệu lực, việc tổ chức thi cấp chứng chỉ vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động. “Điều đó chứng tỏ các sàn cũng như nhân viên môi giới chưa hề sốt sắng với quy định mới”, ông Tuấn cho biết.

“Nếu như phải cấp chứng chỉ cho tất cả các nhân viên môi giới thì Sở vẫn đủ sức thực hiện”, vị đại diện Sở Xây dựng cho biết thêm.

Mặc dù đa phần các ý kiến đều đồng thuận với quy định thắt chặt này của Bộ Xây dựng, tuy nhiên lộ trình thực hiện như thế nào, quá trình thực hiện cụ thể ra sao thì vẫn chưa được cơ quan quản lý làm rõ. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Bộ có thực hiện rốt ráo không hay chỉ đưa ra quy định cho... vui.

Với vai trò là đại diện cho các sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, khi đưa ra quy định này, Bộ cần có các quy định thống nhất về đơn vị đào tạo, chương trình đào tạo. “Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân khi mua nhà yêu cầu kiểm tra chứng chỉ của nhân viên môi giới. Nếu không, quy định khó đi vào cuộc sống”, ông Khánh nói.

Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép đơn vị này được cấp chứng chỉ môi giới. Tuy nhiên, theo chuyên gia BĐS Phạm Sỹ Liêm, song hành với việc cấp chứng chỉ thì phải giám sát nghiêm. “Nếu anh có chứng chỉ mà vẫn hoạt động vi phạm pháp luật thì có thể tước chứng chỉ, nghiêm trọng có thể cấm hành nghề”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư kí Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý cần khẩn trương xây dựng quy định xử phạt và tổ chức kiểm tra thường xuyên những môi giới viên cố tình vi phạm”.

Theo Thông tư 11, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung gồm kiến thức cơ sở (pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS, phòng chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS) và kiến thức chuyên môn (tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS, quy trình và kĩ năng môi giới BĐS, giải quyết tình huống thực tế...).
 

DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức