Top

Quốc hội lập đoàn giám sát các dự án BOT

Cập nhật 03/01/2017 10:55

Quốc hội sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về triển khai đầu tư, xây dựng và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trên phạm vi cả nước trong giai đoạn từ năm 2011-2016, theo một nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ ban hành.

Quốc hội sẽ giám sát các dự án BOT trên cả nước qua công tác thu thập báo cáo của các bộ, ngành và địa phương. Ảnh: TL.

Theo nghị quyết, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là trưởng đoàn.

Mục đích của đợt giám sát này là rà soát, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung trên trong giai đoạn từ năm 2011-2016; những kết quả đạt được, đặc biệt là kết quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua trái phiếu chính phủ cho tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2016; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập.

Xác định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT); kiến nghị để hoàn thiện các hình thức đầu tư khác như hình thức hợp tác công tư (PPP), xây dựng-chuyển giao (BT).

Đối tượng bị giám sát sẽ là các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó là các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Đáng chú ý nhất trong các đối tượng được giám sát là chủ đầu tư các dự án xây dựng các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Các ngân hàng thương mại cho vay các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Các Ban quản lý dự án xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện, theo chương trình, có vẻ đoàn giám sát sẽ không tiến hành giám sát thực địa.

Chẳng hạn, đoàn có trách nhiệm đôn đốc Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, đơn vị gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu; Tiếp nhận và nghiên cứu báo cáo, tài liệu của các cơ quan gửi cho Đoàn giám sát; Tổng hợp báo cáo của các cơ quan theo Đề cương báo cáo kết quả giám sát được phê duyệt; yêu cầu báo cáo bổ sung (nếu có). Đoàn giám sát làm việc với đại diện Chính phủ, các cơ quan có liên quan để xem xét báo cáo.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành giám sát tại địa phương và báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát.

Được biết, ngành ngân hàng đã dành nguồn vốn lớn cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, chiếm 85-90% tổng mức đầu tư của khoảng 150 dự án BOT, BT có tài trợ vốn của ngân hàng.

Cả nước có 96 trạm thu phí BOT, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 102 trạm thu và đến năm 2030 là 121 trạm thu phí.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG